Phố Wall “hồi sinh” ngoạn mục sau quyết định hoãn thuế 90 ngày của ông Trump
07:47 | 10/04/2025
Ngày 9/4 đánh dấu một trong những phiên giao dịch bùng nổ nhất trong lịch sử Phố Wall, khi nhà đầu tư trên toàn cầu đồng loạt đổ tiền vào thị trường chứng khoán Mỹ sau thông báo tạm dừng áp thuế của Tổng thống Donald Trump.
Chỉ trong vài giờ sau khi Tổng thống Trump đăng tải trên mạng xã hội Truth Social về quyết định tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm thuế xuống còn 10% với phần lớn đối tác thương mại, ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đã lập nên kỳ tích: Dow Jones tăng vọt 2.963 điểm, tương đương 7,87%; S&P 500 tăng 9,52% - phiên tăng mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008; còn Nasdaq bứt phá 12,16%, đạt mức tăng trong một phiên lớn thứ hai trong lịch sử chỉ sau đợt tăng hơn 14% hồi tháng 1/2001.
![]() |
Chỉ số Nasdaq Composite hôm 9/4 tăng trên 12% |
Cả thị trường đảo chiều
Theo CNN, thị trường tài chính toàn cầu những ngày gần đây chìm trong lo âu khi chính sách thuế quan mới của ông Trump chính thức có hiệu lực với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ từ ngày 5/4. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi các mức thuế cao được kích hoạt, Tổng thống Mỹ bất ngờ đảo chiều chiến lược, trấn an giới đầu tư bằng một thông điệp mang tính bước ngoặt.
“Xét đến thực tế là hơn 75 quốc gia đã liên hệ để đàm phán và không trả đũa Mỹ, tôi đã cho phép tạm dừng áp thuế trong 90 ngày và giảm đáng kể thuế đối ứng còn 10%, có hiệu lực ngay lập tức”, ông Trump viết trên Truth Social.
Phản ứng trước thông tin này, thị trường chứng khoán Mỹ nhanh chóng “lật ngược thế cờ”. Chứng khoán công nghệ dẫn đầu làn sóng phục hồi với nhiều mã tăng hai con số: Nvidia tăng 22%, Meta tăng gần 15%, Amazon tăng 12%, Microsoft và Alphabet cùng tăng khoảng 10%. Apple ghi nhận mức tăng hơn 15% - phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 1998 - qua đó lấy lại ngôi vị công ty giá trị nhất thế giới từ tay Microsoft sau chuỗi phiên sụt giảm thảm hại.
Cổ phiếu nhóm bán dẫn - từng bị bán tháo mạnh vì lo ngại thuế quan ảnh hưởng đến nhu cầu thiết bị điện tử cũng hồi phục mạnh mẽ. AMD tăng 24%, Intel tăng 19%, Broadcom cùng các nhà cung cấp của Apple như Qorvo, Skyworks Solutions đều tăng trên 18%.
"Đòn bẩy đàm phán tối đa"
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh đây không phải là sự thay đổi thất thường, mà là “phần thưởng” dành cho những quốc gia đã không trả đũa Mỹ. Theo ông, Tổng thống Trump đang sử dụng thuế quan như một công cụ để tạo “đòn bẩy đàm phán tối đa” trên bàn cờ thương mại toàn cầu.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent phát biểu với các phóng viên bên ngoài Cánh Tây của Nhà Trắng, ngày 9/4. (Ảnh: AP) |
“Ngay từ đầu, đây đã là chiến lược của ông ấy. Thậm chí có thể nói ông đã khiến Trung Quốc rơi vào thế bị động, buộc phải phản ứng và lộ diện là bên gây bất ổn”, ông Bessent phát biểu.
Trước đó, vào ngày 2/4, ông Trump tuyên bố áp thuế cơ sở 10% đối với gần như toàn bộ đối tác thương mại và tăng thuế đối ứng từ 10% đến 49% với khoảng 60 quốc gia từ ngày 9/4. Động thái này ngay lập tức khiến thị trường toàn cầu lao dốc. Chỉ riêng trong 4 phiên trước đó, S&P 500 mất hơn 12%, Nasdaq giảm hơn 13%, Dow Jones “bốc hơi” trên 4.500 điểm. Hàng nghìn tỷ USD vốn hóa bị cuốn khỏi thị trường, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt và đồng USD mất giá so với các đồng tiền trú ẩn.
Trong bối cảnh đó, quyết định tạm dừng thuế quan được coi là “làn gió mát lành” đối với giới đầu tư.
“Việc hoãn áp thuế đã gỡ bỏ một áp lực khổng lồ khỏi thị trường. Đây là chất xúc tác mạnh mẽ cho đợt phục hồi này”, Adam Crisafulli, nhà sáng lập Vital Knowledge nhận định.
Những cảnh báo vẫn còn đó
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng. Chiến lược gia trưởng Dave Sekera của Morningstar cho rằng: “Các cuộc đàm phán thương mại thực sự vẫn chưa bắt đầu. Một khi bắt đầu, chắc chắn sẽ có những diễn biến phức tạp với cả tích cực lẫn tiêu cực đan xen”.
Bên cạnh đó, giới quan sát lo ngại về tác động dài hạn của chính sách thuế “lúc nóng lúc lạnh” từ ông Trump. Chiến lược thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp khó lập kế hoạch đầu tư, còn các quốc gia đối tác không biết nên phản ứng như thế nào. Một khảo sát của Reuters/Ipsos cho thấy 75% người dân Mỹ tin rằng giá cả sẽ tăng trong thời gian tới - dấu hiệu cho thấy nỗi lo lạm phát đang âm ỉ.
Goldman Sachs sau phiên 9/4 đã hạ khả năng suy thoái của Mỹ trong 12 tháng tới từ 65% xuống 45%. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn cảnh báo rằng nếu các mức thuế còn lại tiếp tục duy trì, tổng thuế quan toàn cầu có thể tăng thêm 15%, đe dọa chuỗi cung ứng và chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Mặc dù đợt tăng điểm ngày 9/4 mang tính lịch sử, nhưng theo giới phân tích, thị trường chứng khoán vẫn cần thời gian để hấp thụ những biến động chính sách từ chính quyền Tổng thống Trump.
“Phản ứng hôm nay là một tín hiệu tích cực, nhưng còn quá sớm để khẳng định rủi ro đã thực sự qua đi”, Gina Bolvin, Chủ tịch Bolvin Wealth Management Group chia sẻ.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn thoát khỏi áp lực suy thoái, các quyết sách từ Nhà Trắng tiếp tục là ẩn số lớn nhất đối với giới đầu tư trong thời gian tới.
Phan Hà