Kinh tế tư nhân - động lực then chốt cho một Việt Nam thịnh vượng
08:17 | 09/04/2025
Trong tiến trình gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc về kinh tế, từ một quốc gia nghèo, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế, nay đang vững vàng tiến tới nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao. Thành tựu đó là kết quả của một đường lối phát triển đúng đắn, sự quyết liệt trong cải cách thể chế và đặc biệt là sự góp sức không thể phủ nhận của khu vực kinh tế tư nhân - lực lượng đang ngày càng khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kinh tế tư nhân không chỉ góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mà còn tạo ra hơn 40 triệu việc làm, đóng góp khoảng 51% GDP và gần 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Hiện nay, Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, cho thấy sự năng động và sức sống mạnh mẽ của khu vực kinh tế này. Mục tiêu đến năm 2030, nước ta sẽ có khoảng 2 triệu doanh nghiệp, trong đó phần lớn đến từ khu vực tư nhân - một con số đầy khát vọng, nhưng hoàn toàn khả thi nếu có chính sách và thể chế phù hợp.
![]() |
Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ tác động đến tăng trưởng GDP mà còn quyết định tính bền vững của tiêu dùng trong nước |
Thực tế cho thấy, kinh tế tư nhân không chỉ là trụ cột phát triển nội lực, mà còn là cầu nối để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đã vươn mình ra thị trường quốc tế, khẳng định vị thế của thương hiệu Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. Nhưng để khu vực này thực sự bứt phá, vượt qua những giới hạn hiện hữu và trở thành động lực chủ lực của nền kinh tế, cần thiết phải có một cuộc cải cách mạnh mẽ, toàn diện và nhất quán.
![]() |
Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và công bằng. Điều này bao gồm việc giảm thiểu sự can thiệp hành chính, xóa bỏ các rào cản không chính thức và thủ tục phức tạp đang kìm hãm tinh thần khởi nghiệp cũng như sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân.
Thứ hai, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh cần được bảo vệ một cách hữu hiệu bằng hệ thống pháp luật chặt chẽ, đồng bộ và ổn định. Việc này không chỉ đảm bảo niềm tin cho các nhà đầu tư, mà còn tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư dài hạn, phát triển bền vững. Đồng thời, phải cải cách hệ thống tư pháp thương mại, rút ngắn thời gian xử lý tranh chấp, giảm chi phí pháp lý để doanh nghiệp an tâm sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược bài bản để xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, có sức cạnh tranh toàn cầu. Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp chế biến, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, năng lượng, quốc phòng - an ninh và chuyển đổi số. Mô hình hợp tác công - tư (PPP) cũng cần được cải tiến, đảm bảo sự tham gia thực chất và hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân trong các dự án lớn của quốc gia.
Nhìn sang kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy kinh tế tư nhân đã trở thành lực đẩy phát triển của nhiều quốc gia. Tại Trung Quốc, chính sách mở cửa từ những năm 1980 đã giúp kinh tế tư nhân chiếm tới 60% GDP, 70% đổi mới công nghệ và tạo ra 80% việc làm ở thành thị. Hàn Quốc đã thành công trong việc hỗ trợ các chaebol và sau đó chuyển sang khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), biến SME thành lực lượng then chốt của nền kinh tế hiện đại. Còn tại Ấn Độ, việc đẩy mạnh khởi nghiệp và mở cửa thị trường đã đưa nước này trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu với hơn 100 kỳ lân...
Trở lại với Việt Nam, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành “đầu tàu” của tăng trưởng, cần đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Nhà nước nên thiết lập các cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox), ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Cùng với đó là cải cách nền hành chính theo hướng "phục vụ doanh nghiệp - phụng sự đất nước", giảm thủ tục, chi phí không chính thức, tăng cường đối thoại chính sách và tạo cơ chế để doanh nghiệp tư nhân tham gia phản biện, xây dựng chính sách kinh tế.
Quan trọng không kém là việc giải phóng tối đa các nguồn lực cho kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp cần được tiếp cận công bằng với vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến. Phát triển thị trường tài chính hiện đại, đa dạng các hình thức huy động vốn như quỹ đầu tư, fintech, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính cho khu vực này.
Đặc biệt, phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời các giá trị bền vững. Doanh nghiệp cần chú trọng trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa kinh doanh dựa trên đạo đức và minh bạch. Đó không chỉ là điều kiện để phát triển bền vững mà còn là cách để doanh nghiệp góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, thịnh vượng và tiến bộ.
Chúng ta đang sống trong một thời khắc lịch sử, khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên số, nơi mà cơ hội và thách thức luôn song hành. Trong bối cảnh đó, một nền kinh tế quốc dân vững mạnh không thể chỉ trông chờ vào khu vực nhà nước hay vốn đầu tư nước ngoài, mà phải được dẫn dắt bởi một khu vực tư nhân năng động, đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.
Như Tổng Bí thư đã chỉ rõ: Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là chiến lược dài hạn để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Đây chính là thời điểm để hành động, để tạo ra một cú hích thực sự cho khu vực tư nhân, và để viết tiếp câu chuyện thành công của Việt Nam trên con đường phát triển phồn vinh và bền vững.
Phan Hà