Tăng tiếp cận nguồn lực cho kinh tế tư nhân
07:18 | 09/04/2025
Thể chế và những chính sách đột phá mới sẽ là giải pháp kịp thời giúp khu vực kinh tế tư nhân được bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận với các nguồn lực quan trọng, là động lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển, cống hiến cho đất nước.
Kinh tế tư nhân - Hướng đi nào cho sự bứt phá? Doanh nghiệp dân tộc - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng Tháo “vòng kim cô” để kinh tế tư nhân tạo kỳ tích tăng trưởng |
Nhiều yếu tố kìm hãm sự phát triển
Kinh tế tư nhân đang ngày càng được khẳng định là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho hay, kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, gần 60% tổng đầu tư xã hội, khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu và tạo ra gần 80% việc làm cho nền kinh tế. Loại hình kinh tế này đã và đang hoạt động mạnh mẽ trên tất cả các vùng miền của đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên cương và hải đảo; cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là ở các vùng khó khăn.
Mặc dù đóng vai trò lớn trong nền kinh tế, nhưng còn nhiều khó khăn cản trở sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế này. Theo ông Cung, hệ thống pháp lý và chính sách hiện tại chưa tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân. Việc các doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn lực đất đai, không huy động được vốn đủ lớn, hoặc không tiếp cận được công nghệ hiện đại là những yếu tố đang làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân.
Để kinh tế tư nhân phát triển thực chất và bền vững, cần có những chính sách mang tính chiến lược, phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp và đảm bảo tính thực thi cao. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu, với mục tiêu xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực này phát triển mạnh mẽ.
Một trong những trọng tâm của Đề án là đổi mới căn bản tư duy và cách tiếp cận chính sách. Trong phiên họp mới đây của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt qua những giới hạn cũ, xác định chính xác các “đòn bẩy” và “điểm tựa” có tính khả thi để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc. Điều này cho thấy một sự chuyển hướng rõ rệt trong quan điểm quản lý kinh tế, hướng đến việc trao quyền và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) chia sẻ, qua nắm bắt tình hình, có nhiều vấn đề được doanh nghiệp phản ánh, nhất là các khó khăn liên quan đến thể chế, pháp luật, liên quan tới niềm tin của doanh nghiệp tư nhân khi bỏ vốn đầu tư kinh doanh và muốn có sự đảm bảo về quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh. Đây là những vấn đề lớn, dù đã được các Nghị quyết trước đó đề cập nhưng trong quá trình thực thi thời gian qua, các doanh nghiệp còn chưa thực sự an tâm.
Đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ
Tập hợp những ý kiến, thông tin phản ánh từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi về dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân đang được Bộ Tài chính “chấp bút”, bà Thủy khẳng định, dự thảo Nghị quyết khẳng định đảm bảo công bằng cho khu vực tư nhân trong tiếp cận nguồn lực so với các khu vực kinh tế khác. Theo đó, dự thảo được xây dựng trên tinh thần tổng hợp 4 nhiệm vụ mà Trung ương giao Bộ Tài chính thực hiện. Trong đó có nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân năm 2017; đề án Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; đề án Phát triển doanh nhân Việt Nam.
Cùng với tập hợp những ý kiến, thông tin phản ánh từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, Nghị quyết lần này còn chắt lọc, học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia trong quá trình phát triển doanh nghiệp tư nhân. Trên tinh thần đó, dự thảo Nghị quyết đưa ra nhiều quan điểm mạnh mẽ, có thể không mới so với những Nghị quyết trước, nhưng được thể hiện cụ thể hơn.
Bên cạnh đó, cũng giống tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, dự kiến tại Nghị quyết lần này có nhóm giải pháp đột phá cho các doanh nghiệp về cải cách thể chế, chính sách, cải thiện tiếp cận của doanh nghiệp về đất đai, nguồn lực, vốn, nhân lực. Đặc biệt, khẳng định công bằng cho khu vực tư nhân trong tiếp cận các nguồn lực so với các khu vực kinh tế khác.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Đình Cung cũng mong muốn xây dựng một hệ thống pháp luật mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận đất đai, công nghệ và nguồn vốn đầu tư dài hạn. Cần phải tạo ra các kênh huy động vốn ngoài tín dụng ngân hàng, đồng thời tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ cho doanh nghiệp tư nhân. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp không chỉ có đủ nguồn lực để phát triển, mà còn có thể cạnh tranh và nâng cao năng lực sản xuất, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
“Chỉ khi chúng ta xây dựng được một hệ thống pháp lý rõ ràng và minh bạch, giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được các yếu tố phục vụ sản xuất và phát huy hết tiềm năng, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai”, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Hương Giang