Thủ tướng Chính phủ: FTA Index – Thước đo cho thực thi cam kết hội nhập
07:50 | 09/04/2025
Chiều 8/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương năm 2024.
![]() |
Thủ tướng dự lễ công bố Bộ chỉ số FTA Index của các địa phương năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ chỉ số FTA Index 2024 được xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và là kết quả nỗ lực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp với mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi các FTA của Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, đầu tư và thương mại của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
Nội dung khảo sát tập trung vào bốn khía cạnh chính: Mức độ tiếp cận thông tin về FTA của doanh nghiệp; tình hình tuân thủ các quy định pháp luật nội luật hóa từ cam kết FTA; hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA; và việc triển khai các cam kết phát triển bền vững tại địa phương, đồng thời ghi nhận các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.Chỉ số tổng hợp FTA Index là điểm số tổng hợp của 4 chỉ số thành phần theo thang điểm 10 và tổng hợp thành thang điểm 40. Kết quả cho thấy tỉnh có điểm số tổng hợp cao nhất là 34,90 điểm, trong khi tỉnh có điểm số thấp nhất chỉ đạt 14,49 điểm. Giá trị trung bình của điểm số tổng hợp là 26,20 điểm và giá trị trung vị là 20,40 điểm. |
"Hội nhập không chỉ có thảm đỏ và hoa hồng"
Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong lần đầu tiên xây dựng và thực hiện công bố FTA Index, khẳng định sự chuyên nghiệp của Việt Nam trong quá trình hội nhập; đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác quốc tế trong quá trình xây dựng và triển khai bộ chỉ số này.
![]() |
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong lần đầu tiên xây dựng và thực hiện công bố FTA Index - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Thủ tướng, đây là một công cụ mới, mang tính định lượng và hệ thống, dựa trên khảo sát thực tế doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, hướng đến việc cung cấp cơ sở dữ liệu minh bạch và khách quan cho Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương trong chỉ đạo, giám sát, điều hành công tác hội nhập; đồng thời là căn cứ để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm năng từng địa phương, góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu và hướng tới xuất khẩu bền vững.
![]() |
Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, với nhiều điểm mới, thể hiện tinh thần đột phá; trong đó xác định hội nhập quốc tế là động lực quan trọng giữ vững cục diện hòa bình, ổn định, tranh thủ điều kiện, nguồn lực bên ngoài cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của quốc gia, thể hiện trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; vươn lên mạnh mẽ với tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin, tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong hội nhập phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, thích ứng linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả với tình hình, với những mặt trái của hội nhập.
"Hội nhập không chỉ có thảm đỏ và hoa hồng mà cũng có rất nhiều khó khăn, rất nhiều chông gai, phải nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vượt lên thì mới có thể hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ… Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đề cao tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Chúng ta không bỏ qua bất kỳ sự giúp đỡ nào, cũng không lợi dụng hay làm tổn thương ai; tránh đối đầu, đẩy mạnh đối thoại", Thủ tướng nhấn mạnh. |
Tận dụng tối đa nhưng không phụ thuộc vào các FTA
Theo Thủ tướng, Việt Nam xác định hội nhập kinh tế quốc tế - đặc biệt là thông qua các FTA - chính là một cánh cửa quan trọng kết nối Việt Nam với thế giới với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. 17 FTA đã ký kết với trên 60 nền kinh tế hàng đầu thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam, đồng thời cho thấy sự tin tưởng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Việc triển khai và thực thi hiệu quả các FTA không chỉ là để thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra, mà còn là động lực thúc đẩy cải cách trong nước, mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh đó, Bộ chỉ số FTA Index là công cụ quan trọng giúp đo lường mức độ thực thi và tận dụng các FTA của địa phương, từ đó góp phần xây dựng cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá toàn diện điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình thực hiện FTA.
FTA Index cũng phản ánh hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương. Qua đó, các cơ quan có thể đưa ra chính sách phù hợp nhằm tối ưu hóa lợi ích từ các FTA, nhất là khi các hiệp định ngày càng có phạm vi bao quát rộng và ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế.
FTA Index giúp đánh giá hiệu quả thực thi các cam kết quốc tế tại địa phương, đồng thời góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là xuất khẩu và đầu tư. Nhân dịp này, Thủ tướng chúc mừng các địa phương đã đạt thành tích, kết quả cao và đề nghị các địa phương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, thi đua triển khai tốt các FTA, thực hiện tốt các cam kết, mang lại uy tín, cải thiện môi trường kinh doanh cho địa phương và cả nước.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ đã trao Bằng khen cho 5 tỉnh, thành phố - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ đã trao Bằng khen cho 5 tỉnh, thành phố đã có thành tích trong việc đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA Index) năm 2024, gồm Cà Mau, Thanh Hoá, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Trong quá trình đó, Việt Nam tiếp tục phát huy đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, coi trọng hợp tác và hội nhập quốc tế.
Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA đã ký kết, nâng cao chất lượng thực thi cam kết quốc tế, mở rộng thị trường và ký kết thêm các FTA mới với đối tác tiềm năng.
Theo Thủ tướng, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng nhưng không phải là duy nhất, còn những động lực quan trọng khác cần mở rộng và thúc đẩy; 17 FTA đã ký kết là quan trọng nhưng Việt Nam không phụ thuộc hoàn toàn vào những thị trường này mà còn phải mở rộng sang các thị trường khác còn rất nhiều tiềm năng.
Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, thời gian và chi phí thực hiện thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, để vượt qua và biến khó khăn, thách thức thành cơ hội và thuận lợi, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đều phải cùng góp sức.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu dự lễ công bố - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cho biết mong muốn tiếp tục nhận được sự vào cuộc, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong quá trình hội nhập nói chung và thực hiện các FTA nói riêng, nhất là về nguồn vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị…
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với các đối tác để cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển.
Lê Đỗ