Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ: Rủi ro đi kèm cơ hội
15:10 | 08/04/2025
Ngày 8/4/2025, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ”.
Các bước đi khẩn trương trong ứng phó với chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ Thủ tướng: Đề nghị phía Hoa Kỳ hoãn áp thuế với Việt Nam ít nhất 45 ngày |
![]() |
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam |
“Họa vô đơn chí”
Phát biểu mở đầu cuộc Tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Song mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách mới sẽ áp thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa của các nước từ ngày 5/4 và áp thuế đối ứng với 60 nước kể từ ngày 9/4, trong đó Việt Nam ở mức 46%, thuộc nhóm các nước có mức thuế cao. Việc Việt Nam là nước chịu mức thuế đối ứng cao đang gây áp lực lớn và lo lắng cho cộng đồng doanh nghiệp về khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Là một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế mới, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam đánh giá, mức thuế đối ứng này bất ngờ và vượt xa dự báo trước đây.
Dệt may tương đối nhạy cảm về giá. Trong trường hợp 1 cái quần bán giá 50 USD tại Mỹ, giá sản xuất tại Việt Nam chỉ khoảng 10 USD. Nếu tăng 5% thuế, giá tăng thêm 5 USD, và giá bán cuối cùng là 55 USD. Nhu cầu có thể biến động. Như vậy, trong ngắn hạn, xuất khẩu dệt may đi Mỹ sẽ giảm.
Ông Cầm kỳ vọng đàm phán của Chính phủ hiện nay và những xoay chuyển của các doanh nghiệp trong ngành sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.
“Từ quý II, chúng tôi dự báo đơn hàng đi Mỹ sẽ giảm”, ông Cầm nói.
Với ngành gỗ, Việt Nam trong những năm gần đây là quốc gia hàng đầu chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ, chỉ sau Trung Quốc. Hiện, mức thuế Việt Nam nhập nguyên liệu từ Mỹ từ 15-55%. Việc Mỹ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam là “đòn” đánh rất mạnh vào công nghiệp gỗ. Nếu như từ ngày 9/4, rất nhiều sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ chịu mức thuế 46%, doanh nghiệp không còn biên độ lợi nhuận.
Nhìn về tổng thể, ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ đánh giá, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nội địa của Mỹ, vậy nên việc hợp tác giữa Việt Nam - Mỹ sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng và Chính phủ Mỹ.
Ngay lúc này, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang ở Mỹ để đàm phán về thuế đối ứng. Nếu việc này đạt được kết quả tốt thì có thể Mỹ sẽ lùi ngày áp thuế đối ứng 46% với các mặt hàng từ Việt Nam để hai nước thỏa thuận thêm.
Mục đích của đoàn đặc phái viên không chỉ nhằm giải quyết các vướng mắc về thuế đối ứng mà còn là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm các cơ hội và kêu gọi hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ liên quan đến lĩnh vực công nghệ, dầu khí, an ninh quốc phòng và hàng không dân dụng.
![]() |
Toàn cảnh Tọa đàm |
Thích nghi và dẫn dắt sự thay đổi
Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản cho rằng, trong kinh doanh, “bỏ tất cả trứng vào 1 giỏ” là vô cùng nguy hiểm. Hiện Việt Nam xuất khẩu gỗ tới 161 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó có 5 thị tường lớn nhất là Hoa kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, đây là lúc tìm lối đi mới. Việt Nam cần cơ cấu lại ngành hàng.
Đồng quan điểm, bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam nhận định, đây là bài học để cho các doanh nghiệp tỉnh giấc. Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề, chuyển hướng thị trường phù hợp. Bên cạnh đó cũng cần sự vào cuộc, hỗ trợ của Chính phủ để thị trường được khơi thông, gỡ các rào cản về kỹ thuật.
Cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như EU, Trung Đông...; tạo cơ hội về xúc tiến thương mại, tăng cường giao lưu với các thị trường khác... tạo cơ hội cạnh tranh ở các thị trường.
Để hỗ trợ phần nào những khó khăn doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đơn vị sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt với dấu hiệu chuyển giá, quan hệ công ty quốc gia trung chuyển; hoàn thuế cho doanh nghiệp gia công, lắp ráp để xuất khẩu: xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ với cơ quan thuế Mỹ, tạo cơ sở cho 2 bên phối hợp hiệu quả ngăn chặn hành vi gian lận thuế xuyên quốc gia.
Các chính sách thuế khác như thuế thu nhập doanh nhiệp có nhiều giải pháp có thể chia sẻ trong thời gian tới và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm. Bộ Tài chính được Trung ương giao cho đề tài về phát triển kinh tế tư nhân, cơ quan thuế là đơn vị trong đề tài này. Bộ nghiên cứu thúc đẩy, đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân, tập trung vào 2 mảng lớn: thể chế chính sách và thủ tục hành chính.
Đánh giá cao những giải pháp hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay, ông Hoàng Mạnh Cầm đề xuất để ổn định sản xuất như Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành cần có giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa hơn 100 triệu dân. Việc này nhằm bù đắp được các nhu cầu bị tiêu hụt tại thị trường Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng GDP trong nước. Nghiên cứu, giảm tiếp mức thuế VAT dưới 8% với các doanh nghiệp trong nước hoặc tăng giảm trừ gia cảnh với thuế cá nhân; chưa tăng tiền điện và một số chi phí liên đới khác.
Đối với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) đề nghị có 4 trụ cột cần thay đổi. Thứ nhất, chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng. Thứ hai, nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại. Thứ ba, chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao (phát triển mẫu mã, thương hiệu, nội địa hóa chuỗi giá trị). Thứ tư, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.
"Mặc dù việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đổi mới và vươn lên thành công. Các doanh nghiệp cần có vốn đủ mạnh và khả năng thích ứng với sự thay đổi để có thể thành công trong quá trình chuyển đổi", ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ.
Hương Giang