Bài 3: Quản trị công ty - chìa khóa nâng hạng thị trường chứng khoán
15:59 | 08/04/2025
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, mở ra cơ hội thu hút từ 5-8 tỷ USD vốn đầu tư quốc tế trong ngắn hạn và lên tới 25 tỷ USD vào năm 2030, theo Ngân hàng Thế giới. Trong hành trình này, quản trị công ty nổi lên như chìa khóa then chốt, không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà đầu tư toàn cầu mà còn khẳng định vị thế trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Làm thế nào để quản trị công ty trở thành đòn bẩy đưa Việt Nam tiến xa trên bản đồ tài chính thế giới?
Bài 1: Quản trị công ty - lá chắn và bệ phóng cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên hội nhập Bài 2: Quản trị công ty tại Việt Nam đứng trước nhiều thách thức |
![]() |
Quản trị công ty được ví như ngọn hải đăng dẫn lối doanh nghiệp qua sóng gió rủi ro |
Yếu tố then chốt để nâng hạng thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ tài chính khu vực với vốn hóa đạt 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương 47% GDP năm 2024.
Theo ông Vũ Chí Dũng, quản trị công ty là “chìa khóa” để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nâng hạng thành công. Việc nâng hạng có thể mang về 5-8 tỷ USD trong ngắn hạn và 25 tỷ USD vào năm 2030, nhưng điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải minh bạch trong tài chính và phi tài chính.
"Sự minh bạch không chỉ củng cố niềm tin mà còn giảm rủi ro gian lận, giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của FTSE Russell và MSCI, hai tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới", ông Dũng nói.
Phân tích các cổ phiếu doanh nghiệp thu hút được vốn đầu tư quốc tế, bà Nam Anh, Giám đốc Phòng Quản lý Niêm yết của HOSE, khẳng định đây đều là các cổ phiếu thuộc nhóm doanh nghiệp lớn, quản trị tốt, đang dẫn dắt xu hướng quản trị công ty trên thị trường chứng khoán.
Mang đến góc nhìn toàn cầu, ông Andri Meier khẳng định rằng, quản trị công ty tích hợp ESG là “nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài”. Ông dẫn chứng kinh nghiệm Thụy Sĩ, nơi các thực hành quản trị vượt quy định pháp luật từ năm 2008 đã tạo sức hút lớn.
Để cải thiện chất lượng quản trị công ty, hệ thống pháp lý như Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020 và “Cẩm nang Quản trị Công ty 2025” cũng cung cấp hướng dẫn chi tiết để tiệm cận chuẩn G20/OECD 2023.
Theo theo bà Hà Thị Kim Thanh, Chủ tịch VIOD, cẩm nang này không chỉ cập nhật quy định về quyền cổ đông mà còn định hướng ESG, giúp doanh nghiệp nâng điểm từ 60,1/130 lên mục tiêu 65 điểm ASEAN CG Scorecard vào năm 2026. Nhờ vậy, quản trị công ty không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là đòn bẩy để Việt Nam tiến gần hơn đến vị thế thị trường mới nổi.
Giải pháp chiến lược
Thực tiễn áp dụng quản trị công ty tại Việt Nam cho thấy cả tiềm năng và thách thức. Bà Nam Anh cho biết, điểm trung bình quản trị đạt 50,60/140 vào năm 2024, với doanh nghiệp lớn dẫn đầu về điểm thông lệ - một tín hiệu tích cực cho thấy xu hướng cải thiện.
Bà Hà Thị Kim Thanh thì bổ sung thêm rằng, điểm ASEAN CG Scorecard 2024 của các doanh nghiệp niêm yết đạt 60,1/130, tăng từ 57,6 trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 65 điểm vào năm 2026. Dù chỉ 69/493 doanh nghiệp tham gia đánh giá, triển vọng vẫn rất sáng sủa khi 100% báo cáo tài chính và quản trị công ty từ năm 2025 sẽ công bố song ngữ theo Thông tư 68/2023/TT-BTC.
Bà Nam Anh xác nhận, tỷ lệ công bố song ngữ quý 4/2024 đã đạt 100%, giúp nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thông tin dễ dàng, nâng cao giá trị thị trường.
Ông Vũ Chí Dũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, quản trị tốt không chỉ đón đầu xu hướng toàn cầu mà còn khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. Nếu duy trì đà này, Việt Nam có thể vượt Indonesia (có điểm quản trị trung bình thấp hơn trong khu vực) và cạnh tranh với Singapore, biến tiềm năng nâng hạng thành hiện thực, theo mục tiêu Chiến lược Phát triển Thị trường Chứng khoán 2030.
Để quản trị công ty trở thành đòn bẩy nâng hạng, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp đồng bộ. Bà Nam Anh khuyến nghị các doanh nghiệp cần lồng ghép quản trị vào chiến lược kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái quản trị rủi ro và công bố thông tin ESG song ngữ - một bước đi cần thiết khi chỉ 23% doanh nghiệp tích hợp ESG vào chiến lược.
Bà Hà Thị Kim Thanh thì đề xuất đào tạo Hội đồng quản trị ít nhất 20 giờ ESG/năm và áp dụng VN CG Code, nhằm nâng cao nhận thức khi chưa doanh nghiệp nào gắn thù lao với ESG.
Ông Andri Meier nhấn mạnh đến sự hợp tác quốc tế qua IFC và SECO, đặc biệt trong việc nâng cấp VN CG Code năm 2025. Trong khi đó, ông Vũ Chí Dũng kêu gọi biến tiêu chuẩn quản trị cao thành động lực tăng trưởng kinh tế.
Với tiềm năng thu hút 25 tỷ USD vào năm 2030, những giải pháp này sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu 65/130 điểm ASEAN CG Scorecard, giúp các doanh nghiệp khẳng định vị thế toàn cầu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Trần Hương