Sáng 20/3: Giá vàng thế giới chạm mốc mới khi Fed giữ nguyên lãi suất
09:08 | 20/03/2025
Hôm qua, giá vàng đã tăng vọt lên mức cao chưa từng có, chốt phiên ở mức kỷ lục 3.047,14 USD/oz, tăng hơn 0,4% sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) kết thúc cuộc họp tháng Ba với quyết định giữ nguyên lãi suất.
Sáng 18/3: Giá vàng thế giới duy trì trên mốc 3.000 USD/oz Ngày 19/3: Giá vàng thế giới có thể điều chỉnh trong ngắn hạn |
Tính đến 9h sáng nay, giá vàng giao ngay giao dịch ở mức 3.053,525 USD/oz, tăng 0,21% so với giá mở cửa.
Theo các chuyên gia, đà tăng của vàng diễn ra bất chấp sự mạnh lên của bạc xanh, với chỉ số bạc xanh tăng 0,18% trong phiên hôm qua, thể hiện động lực vững chắc của vàng hiện tại. Xu hướng đi lên của vàng phản ánh sự lo ngại ngày càng lớn của nhà đầu tư về sự ổn định kinh tế và nguy cơ lạm phát.
"Mức tăng của vàng đã vượt xa hoàn toàn mức tăng nhỏ của bạc xanh", một chiến lược gia thị trường cấp cao am hiểu về diễn biến này nhận xét và thêm rằng: "Điều này cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với các tài sản an toàn".
Quyết định của Fed và xu hướng giảm của bạc xanh
Fed đã đồng thuận giữ nguyên lãi suất chuẩn (Fed funds) trong khoảng từ 4,25 - 4,50%, đồng thời quyết định giảm tốc độ thu hẹp tài sản trong bảng cân đối kế toán.
Tuy nhiên, trong thông báo sau cuộc họp kết thúc ngày hôm qua, các quan chức Fed dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại cùng với áp lực lạm phát tăng cao. Họ đặc biệt lưu ý đến các chính sách thương mại của chính quyền Trump, gọi chúng là "tham vọng và thường không ổn định", đồng thời nhận định rằng các chính sách này đang đặt nền kinh tế và khả năng duy trì ổn định của Fed "vào tình thế ngày càng áp lực".
Hiệu suất gần đây của bạc xanh cho thấy một sự đảo chiều rõ rệt so với tháng Hai. Vào ngày 27/2, chỉ số bạc xanh từng đóng cửa trên mức 107, nhưng kể từ đó đã giảm hơn 4% trong 13 ngày giao dịch gần đây.
Đặc biệt, kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào ngày 20/1, đồng đô la Mỹ đã mất giá gần 6% so với rổ tiền tệ chính. Sự suy yếu này đã tạo thêm động lực hỗ trợ cho các hàng hóa định giá bằng USD như vàng.
Căng thẳng thương mại gia tăng
Các nhà đầu tư hiện chuyển sự chú ý từ chính sách tiền tệ sang chương trình nghị sự thương mại của chính quyền và những tác động tiềm ẩn của nó. Các mức thuế nhập khẩu đã được áp dụng triệt để - 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico, 20% đối với hàng từ Trung Quốc - đã bắt đầu gây gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu.
Cả ba quốc gia nói trên đều đáp trả bằng các mức thuế nhập khẩu tương ứng đối với hàng hóa Mỹ, dẫn đến một chuỗi hậu quả kinh tế ngày càng lan rộng.
Người tiêu dùng tại các quốc gia chịu ảnh hưởng bắt đầu cảm nhận được tác động qua giá cả tăng cao, dù các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng toàn bộ ảnh hưởng của các mức thuế này chưa hoàn toàn lộ rõ, bởi các nhà bán lẻ thường chuyển chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng một cách từ từ.
Khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và bất ổn kinh tế gia tăng, vàng tiếp tục khẳng định vai trò truyền thống của mình như một nơi trú ẩn giá trị trong thời kỳ bất ổn địa chính trị và kinh tế.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng tương lai tháng 4 đang có lợi thế kỹ thuật tổng thể mạnh mẽ trong ngắn hạn.
Mục tiêu giá tăng tiếp theo của phe đánh lên là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự vững chắc tại 3.100,00 USD/oz.
Mục tiêu giá giảm tiếp theo trong ngắn hạn của phe đánh xuống là đẩy giá tương lai xuống dưới ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật vững chắc tại 2.900 USD/oz.
Trong khi đó, ngưỡng kháng cự gần nhất được nhìn thấy ở mức cao nhất là 3.052,40 USD/oz và sau đó là 3.065 USD/oz.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất được ghi nhận ở mức thấp qua đêm là 3.031,30 USD/oz và sau đó là mức thấp nhất của thứ Ba là 3.008,20 USD/oz.
Đại Hùng