Để Việt Nam tiến sâu vào thị trường phần mềm ô tô
09:36 | 17/03/2025
Ngành công nghiệp ô tô đang phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu ngày càng cao về các phần mềm phục vụ. Từ hệ thống thông tin giải trí, điều khiển động cơ đến công nghệ xe tự hành... phần mềm đang trở thành yếu tố quan trọng quyết định trải nghiệm người dùng và khả năng cạnh tranh của các hãng xe.
TP. Hồ Chí Minh đốc thúc các dự án giao thông trọng điểm Toyota ra mắt SUV điện mới |
Đối với doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, đây là cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức về năng lực phát triển và hợp tác để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và hợp tác với các đối tác quốc tế sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường phần mềm ô tô.
![]() |
Liên kết để các doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng phần mềm ô tô toàn cầu và nâng cao uy tín thương hiệu |
Vừa qua, Tập đoàn FPT ký kết với Cranes Varsity, một trong những tổ chức đào tạo công nghệ hàng đầu tại Ấn Độ, chuyển giao Chương trình đào tạo Phát triển phần mềm ô tô thông minh (Automotive). Sự kiện đánh dấu sự ra đời của Cranes FPT, chương trình đào tạo Phát triển phần mềm ô tô thông minh ngắn hạn chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam và cũng là cơ hội cho các lao động chất lượng cao có “đất diễn” trong thời đại số hóa.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, ngành công nghiệp ô tô đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ và cần số lượng nhân sự khổng lồ với nhiều chuyên môn khác nhau. Trong bối cảnh như vậy, hợp tác quốc tế sẽ đưa Việt Nam đến một cuộc chơi lớn. Với sự kết hợp giữa kinh nghiệm đào tạo của Cranes Varsity và năng lực công nghệ của mình, FPT kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam và thế giới trong thời gian ngắn.
Trong lĩnh vực xe hơi, sự bùng nổ của công nghệ đã khiến các hệ thống phần mềm đóng vai trò ngày càng lớn trong việc nâng cao hiệu suất vận hành, đảm bảo an toàn và mang đến trải nghiệm giải trí tốt hơn. Một số mảng quan trọng của phần mềm ô tô gồm: Hệ thống thông tin giải trí (Infotainment); Hệ thống hỗ trợ lái xe (ADAS - Advanced Driver Assistance Systems); Hệ thống điều khiển và chẩn đoán xe; Công nghệ xe kết nối (Connected Car); Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning) đang được ứng dụng để phát triển xe không người lái.
“Nhìn vào tiềm năng này, nếu các doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược hợp tác phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể vươn lên trong ngành phần mềm ô tô”, ông Trương Gia Bình chia sẻ thêm.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp công nghệ có thể phát triển phần mềm điều khiển, giải trí ứng dụng AI cho các hãng xe Việt Nam như: VinFast, THACO. Hợp tác với doanh nghiệp quốc tế, các công ty Việt có thể trở thành đối tác cung cấp giải pháp phần mềm cho các hãng xe toàn cầu. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ sinh thái phần mềm ô tô, tạo ra các nền tảng mở để nhiều công ty cùng phát triển, tránh tình trạng phân mảnh công nghệ. Việt Nam cũng cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) - yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp bắt kịp công nghệ mới. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học sẽ giúp đào tạo đội ngũ kỹ sư phần mềm có chuyên môn cao về AI, IoT và an toàn mạng cho phần mềm ô tô. Bên cạnh đó, các startup công nghệ Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo và thử nghiệm các giải pháp đột phá. Việc hợp tác với các công ty khởi nghiệp (startup) sẽ giúp các doanh nghiệp lớn tiếp cận nhanh hơn với công nghệ mới.
Quy mô thị trường phần mềm và điện tử ô tô toàn cầu dự kiến sẽ đạt 462 tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm mới trong chuỗi cung ứng phần mềm ô tô toàn cầu. “Nếu khai thác tốt cơ hội, phát huy thế mạnh, hợp tác chặt chẽ và hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, các công ty phần mềm Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”.
Đức Hiền