Hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn ngân hàng giữ giá lúa gạo
06:57 | 08/03/2025
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, các tổ chức tín dụng tại khu vực phía Nam đã và đang triển khai thúc đẩy mở rộng hạn ngạch cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo, ngăn đà giảm của giá lúa và đảm bảo lợi ích cho người nông dân.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo |
![]() |
Tổng dư nợ tín dụng cho vay lúa gạo ở các tính Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 124 ngàn tỷ đồng tính đến cuối năm 2024 - Ảnh: HA |
Tín dụng lúa gạo luôn có tốc độ tăng trưởng cao
Ghi nhận nhanh từ các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngay sau khi NHNN có văn bản (Công văn số 1595/NHNN-TD) chỉ đạo thúc đẩy cho vay thu mua lúa gạo, NHNN chi nhánh các Khu vực ở ĐBSCL đều đã triển khai đến các tổ chức tín dụng ở 13 tỉnh, thành phố cụ thể hóa các yêu cầu của Chính phủ và NHNN Việt Nam.
Ông Trần Quốc Hà - quyền Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 14 cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long đều đã được phổ biến chủ trương tăng cường cho vay đối với ngành lúa gạo theo tinh thần Công điện 21/CĐ-TTg của Thủ tướng và Công văn số 1595/NHNN-TD của NHNN.
Thực tế, tính đến thời điểm chiều 7/3, ngành hàng lúa gạo là ngành hàng nhận được sự quan tâm liên tục, xuyên suốt của hệ thống các ngân hàng. Tính đến cuối tháng 2/2025 dư nợ cho vay (tại các địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long) riêng đối với sản xuất, chế biến, xuất khẩu lúa gạo đạt khoảng 33.780 tỷ đồng; tăng trưởng khoảng 300 tỷ đồng so với đầu năm. Trước đó, vào cuối 2024, tổng dư nợ lĩnh vực này ở các tỉnh các tỉnh, thành phố này đạt mức khoảng 33.480 tỷ đồng; tăng trưởng 19,5%, cao nhất trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp – nông thôn.
Tại khu vực Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau tình hình cũng diễn ra tương tự. Đại diện lãnh đạo NHNN chi nhánh Khu vực 15 cho biết, thời gian qua ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ chưa có Công điện chỉ đạo thúc đẩy cho vay lúa gạo, hệ thống ngân hàng tại các địa phương cũng đã rất tập trung chỉ đạo, khuyến khích hệ thống ngân hàng thương mại ưu tiên cho vay đối với ngành lúa gạo theo các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP và các văn bản, công văn hướng dẫn, chỉ đạo của NHNN Việt Nam (như Thông tư số 10/2015/TT-NHNN, Thông tư số 25/2018/TT-NHNN, Công văn số 6277/NHNN-TD, Công văn số 7378/NHNN-TD…).
Đến thời điểm cuối tháng 2/2025, chỉ tính riêng dư nợ cho vay thu mua lúa gạo tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Cà Mau đã đạt khoảng 44.810 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay lúa gạo trên cả nước. Các địa phương trồng lúa trọng điểm như Đồng Tháp, An Giang dư nợ cho vay lúa gạo tăng trưởng mạnh ở mức hai con số trong suốt 2-3 năm gần đây với tổng mức dư nợ thường xuyên đạt khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng tại mỗi địa phương.
Đối với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN Việt Nam trong tuần vừa qua, đại diện lãnh đạo NHNN chi nhánh Khu vực 13, 14, 15 cho rằng, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ đảm bảo cung ứng đủ nguồn vốn để triển khai cho vay ưu đãi lãi suất đối với doanh nghiệp và người nông dân. Đặc biệt, các chương trình tín dụng dành cho chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, tín dụng dành cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, hiện đang được hầu hết các ngân hàng thương mại ở các tỉnh thành phía Nam tham gia cho vay. Vì thế trong các tháng tới sẽ có tốc độ giải ngân mạnh mẽ.
Giá lúa gạo bình quân tăng nhẹ
Theo ghi nhận ngày 7/3 tại các tỉnh Tiền Giang; An Giang, Đồng Tháp giá lúa tươi người nông dân bán tại ruộng ở một số khu vực đã tăng nhẹ 100-200 đồng/kg sau khi các địa phương quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Công điện 21/CĐ-TTg.
Cụ thể, tại Thoại Sơn (An Giang) giá lúa IR 50404 ở mức 5.500 - 5.600 đồng/kg; Đài thơm 8 (tươi) khoảng 6.500 - 6.600 đồng/kg (tăng 200 đồng). Tại Sa Đéc (Đồng Tháp) lúa OM 5451 giao dịch ở mức 5.7.00 - 5.900 đồng/kg (tăng 100 đồng); lúa OM 18 (tươi) có giá 6.500 - 6.600 đồng/kg (tăng 200 đồng);…
Với mặt hàng gạo, theo ghi nhận của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo nguyên liệu OM 380 giao dịch ở mức 7.850 - 8.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 8.150 - 8.200 đồng/kg; đều tăng 50-70 đồng/kg so với đầu tuần.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA cho rằng, Chính phủ và NHNN Việt Nam chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ là giải pháp hiệu quả nhất giúp điều tiết thị trường lúa gạo trong thời điểm hiện nay.
Theo ông Nam, mặc dù trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thời điểm tụt xuống mức 389 USD/tấn (gạo 5% tấm) – là mức khá thấp so với giá gạo cùng loại của các quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, hiện nhu cầu nhập khẩu lúa gạo từ các thị trường lớn vẫn khá cao vì thế, giá gạo xuất khẩu có thể tăng trở lại.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo cũng nhận định rằng, hiện nay lúa vụ Đông Xuân đang thu hoạch rộ. Vụ lúa này là vụ lúa có chất lượng tốt nhất trong năm. Vì vậy, các nhà mua hàng sẽ sớm giao dịch trở lại, bởi với những quốc gia có nhu cầu nhập khẩu lớn, không mua vụ Đông Xuân thì những vụ sau sẽ rất khó để gom đủ số lượng. Vì thế, thời điểm này nếu các doanh nghiệp được hỗ trợ vốn, tạo điều kiện mua trữ số lượng lớn thì sẽ ngăn được đà giảm của giá lúa gạo; đồng thời cả doanh nghiệp và người nông dân có cơ hội giữ lại hàng hóa chờ giá tăng trở lại theo chu kỳ.
Hơn 10 triệu tấn lúa chờ mua trữ Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2025, khu vực ĐBSCL dự kiến sản lượng lúa thu hoạch sẽ đạt trên 24 triệu tấn triệu với tổng diện tích gieo sạ khoảng 3,79 triệu ha. Trong đó, vụ Đông Xuân 2024-2025 dự kiến sản lượng đạt khoảng 10,78 triệu tấn (diện tích gieo sạ khoảng 1,5 triệu ha). Tính đến hết tháng 2/2025, sản lượng lúa đã thu hoạch vụ Đông Xuân toàn vùng đạt 4,174 triệu tấn với diện tích là 605.000 ha, còn lại dự kiến sản lượng đạt 6,6 triệu tấn (diện tích dự kiến là 900.000 nghìn ha) sẽ thu hoạch trong tháng 3/2025. Đối với lúa gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự tính, tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay sẽ đạt khoảng 4,53 triệu tấn và 6 tháng cuối năm là khoảng hơn 3 triệu tấn. Tính đến hết tháng 2, cả nước đã xuất khẩu được 560.000 tấn với giá trị đạt 288,2 triệu USD, giảm 13,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm ước đạt 553,6 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá gạo xuất khẩu giảm mạnh được cho là do ảnh hưởng từ việc Ấn Độ chấm dứt lệnh hạn chế xuất khẩu và dự kiến thu hoạch vụ mùa bội thu, trong khi sản lượng gạo của Việt Nam, Thái Lan, Pakistan cũng đang tăng mạnh, khiến dư cung trên phạm vi toàn cầu.
|
Thạch Bình