Kỳ vọng tạo đột phá phát triển nhà ở xã hội
09:37 | 05/03/2025
Trong hội nghị gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải tạo đột phá về phát triển nhà ở xã hội cho người trẻ, người khó khăn, thu nhập thấp, công nhân lao động; phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại. Tiếp đến, ngày 27/2/2025, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 444/QĐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chỉ tiêu nhà ở xã hội các địa phương phải hoàn thành giai đoạn 2025 - 2030 là 995.445 căn hộ…
Quảng Nam gỡ nút thắt cho nhà ở xã hội Giao chỉ tiêu nhà ở xã hội cho các địa phương Nhà ở xã hội: Cẩn trọng với chiêu trò lừa đảo |
Kỳ vọng lớn
Việc phân bổ chỉ tiêu cho từng địa phương thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc rốt ráo thúc đẩy đề án về nhà ở xã hội. Thực tế, trong nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến cuối năm 2024, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 580.000 căn, nhưng hiện mới có 96 dự án hoàn thành với quy mô hơn 57.000 căn. Như vậy, để tiến đến mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội là chặng đường còn rất dài.
Cũng theo thông tin từ Bộ Xây dựng, chỉ riêng năm 2025, các địa phương sẽ dồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội, dự kiến cả nước có 135 dự án, với gần 101.900 căn sẽ được xây dựng. Đơn cử như tại Quảng Nam, tỉnh này đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo Nghị quyết này, Quảng Nam sẽ dành khoảng 416 tỷ đồng hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đất đai; tạo quỹ đất sạch để chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án; miễn phí, lệ phí làm thủ tục đầu tư như phí thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng dự án; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phòng cháy chữa cháy... Các chuyên gia kỳ vọng 2025 sẽ là một năm “bùng nổ” phát triển nhà ở xã hội.
![]() |
Các chuyên gia kỳ vọng 2025 sẽ là một năm “bùng nổ” phát triển nhà ở xã hội |
Ngân hàng ưu tiên vốn rẻ
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, để tạo nguồn lực phục vụ cho việc phát triển nhà ở xã hội, các ngân hàng đang đồng loạt ưu tiên nguồn vốn giá rẻ để sẵn sàng cho vay các dự án và người mua nhà.
Là một trong những ngân hàng chủ lực cho vay nhà ở xã hội, đến 21/01/2025, sau 10 năm triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết đã giải ngân 22.777 tỷ đồng cho gần 53 nghìn khách hàng, dư nợ đạt 17.561 tỷ đồng với gần 47 ngàn khách hàng đang còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách về nhà ở xã hội đã góp phần giúp gần 53 nghìn người thu nhập thấp, công nhân cùng gia đình có nhà ở xã hội và góp phần xây dựng hơn 53 nghìn căn nhà ở, ổn định “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Ông Đinh Mai Phong, Phó giám đốc Ban tín dụng Học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, ngân hàng đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội, theo đó tổng nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội giai đoạn 2025-2030 qua NHCSXH khoảng 38.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước bố trí cấp 50% nguồn vốn, NHCSXH huy động vốn đáp ứng 50%. Riêng năm 2025, NHCSXH đã được bổ sung tổng số nguồn vốn để cho vay nhà ở xã hội là 4.836 tỷ đồng. Ngoài ra nguồn vốn để cho vay chương trình còn được ngân sách các tỉnh, thành phố uỷ thác sang NHCSXH để cho vay đến thời điểm này là 1.194 tỷ đồng.
Là một trong những ngân hàng giải ngân cho vay nhà ở xã hội tích cực nhất, ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank cho biết, đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, ngân hàng đã đăng ký tham gia chương trình với quy mô tín dụng là 30.000 tỷ đồng và triển khai trong vòng 10 năm để hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, Agribank đã cấp tín dụng cho 13 chủ đầu tư và gần 300 khách hàng cá nhân mua nhà của các dự án với tổng mức tín dụng đã cấp gần 4.000 tỷ đồng và dư nợ đạt trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2024, Agribank đứng đầu về cho vay nhà ở xã hội. Hiện nay, Agribank đang tiếp cận và xem xét cấp tín dụng đối với 5 dự án, tổng mức cấp tín dụng dự kiến gần 3 nghìn tỷ đồng.
Về phía người mua nhà, các ngân hàng cho biết sẽ cố gắng giải quyết tối đa cho người mua nhà trong khả năng có thể, lãi suất thấp nhất và thời hạn cho vay dài nhất.
Tuy quy mô vốn ưu đãi đã tăng lên nhưng trên thực tế theo đại diện các ngân hàng, công tác phát triển nhà ở xã hội đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân xuất phát từ các vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính phức tạp... khiến không ít dự án bị đình trệ hoặc chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nhà ở cho người dân thu nhập thấp. Đến thời điểm này, rất nhiều dự án được phê duyệt bổ sung nhưng phía nhà đầu tư vẫn chưa mạnh dạn đầu tư. Thậm chí, nhiều dự án mặc dù ngân hàng cam kết cho vay nhưng chủ đầu tư chưa dám vay.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội ngoài vốn ngân hàng, giới chuyên môn nhấn mạnh, các bộ, ngành liên quan cần thực hiện một số biện pháp đồng bộ, trong đó có các giải pháp chính sách hỗ trợ cả về pháp lý, tài chính và cơ sở hạ tầng. Cụ thể, các bộ ngành cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai như đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng và các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. Các bộ ngành cần có các biện pháp để kiểm soát giá thành của nhà ở xã hội, tránh tình trạng đội giá; có các cơ chế giám sát, điều chỉnh giá hợp lý để đảm bảo nhà ở xã hội thật sự phục vụ nhu cầu của người dân có thu nhập thấp.
Quỳnh Trang