Tìm giải pháp sử dụng vốn hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
18:00 | 28/02/2025
Ngày 28/02, tại TP. Hồ Chí Minh, báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo "Sử dụng vốn hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế". Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú tham gia hội thảo qua hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội.
Ngành Ngân hàng phải tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
Vấn đề cốt lõi là sử dụng vốn hiệu quả
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết, hiện ngành Ngân hàng thành phố đang chỉ đạo các ngân hàng địa phương cung cấp vốn với lãi suất hợp lý, cắt giảm chi phí đầu vào, đơn giản hóa thủ tục cho vay, giải ngân hiệu quả và tăng cường kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Năm 2025 tổng số tiền đăng ký tham gia gói tín dụng ưu đãi trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã đạt 510.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều gói vay ưu đãi, đặc biệt dành cho các ngành xuất khẩu, lương thực và cà phê... Đây là các lĩnh vực quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
![]() |
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo |
Vấn đề hiện nay là làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 16% và GDP đạt 8%, theo ông Lệnh, con số này hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là làm thế nào để doanh nghiệp có thể sử dụng vốn một cách hiệu quả.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc sử dụng vốn hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đòi hỏi các giải pháp toàn diện từ các ngành, các cấp, địa phương và doanh nghiệp. Vốn không chỉ là tín dụng ngân hàng mà còn bao gồm vốn ngân sách, vốn của khu vực tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thậm chí, vốn thúc đẩy nền kinh tế còn bao gồm tài sản, đất đai và khoa học công nghệ.
Đối với vốn ngân hàng, NHNN đặt mục tiêu tăng tín dụng cả năm lên 16%, tương đương với khoảng 2,5 triệu tỷ đồng sẽ được bơm ra thị trường. Nếu Chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10%, tín dụng sẽ tăng 20%, tương ứng với hơn 3-3,2 triệu tỷ đồng.
Vốn ngân hàng vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 8%, hướng tới 10% sẽ là một thử thách lớn đối với ngành Ngân hàng. Để đạt được tăng trưởng, cần phải mở rộng đầu tư và để làm được điều này, phải có nguồn lực, đặc biệt là vốn. Tuy nhiên, vốn chủ yếu hiện nay vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc, tổng dư nợ tín dụng hiện nay lên tới gần 16 triệu tỷ đồng, trong khi GDP chỉ đạt khoảng 12 triệu tỷ đồng, tức là tín dụng bằng khoảng 130% GDP. Nếu năm nay tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên, tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Đây là một bài toán vĩ mô khó, nhưng ngành ngân hàng sẽ quyết tâm thực hiện, vì đây là mục tiêu chính trị của Đảng và Chính phủ.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo |
Ở góc độ sử dụng vốn, Phó Thống đốc nhấn mạnh rằng nguồn vốn hiện nay không phải là vô hạn. Vốn ngân hàng chủ yếu dùng để bổ sung cho vốn lưu động và vốn ngắn hạn. Ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng phải cho vay trung và dài hạn, thay cho thị trường vốn. Dù vậy, trong nhiều năm qua, ngành ngân hàng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế, nhất là khi thị trường vốn và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển mạnh mẽ.
Một thông tin đáng chú ý là hệ số an toàn vốn của hầu hết các ngân hàng thương mại hiện nay đang ở mức tối đa. Một ngân hàng có thể huy động 10 đồng thì cho vay 9 đồng, nhưng nhiều ngân hàng hiện nay đang cho vay trên 10 đồng. Điều này có nghĩa là các ngân hàng phải sử dụng cả vốn tự có, vốn điều lệ, và thậm chí là vốn tái cấp vốn của NHNN để cho vay vượt mức vốn huy động. Hiện tổng vốn huy động của các ngân hàng là 15,2 triệu tỷ đồng, nhưng tổng dư nợ cho vay lại lên tới 15,8 triệu tỷ đồng. Trong khi ở các nước huy động 10 đồng thì cho vay chỉ 9 đồng thôi, còn 1 đồng phải đảm bảo an toàn.
Về phản ánh liên quan đến tiếp cận vốn, đặc biệt các gói cho vay ưu đãi, ông Lệnh cho biết thời gian qua lĩnh vực xuất khẩu, ngành lương thực, cà phê được ưu đãi rất nhiều, lãi suất cũng rất ưu đãi vì đây là những ngành hiệu quả, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
"Những vướng mắc của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ ghi nhận và tháo gỡ trong thời gian tới. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng phải chia sẻ, nếu lỗi xử lý hồ sơ chậm thì chúng tôi giải quyết được. Nhưng nếu là thuộc về quy định, nguyên tắc tín dụng thì ngân hàng phải tuân thủ để đảm bảo an toàn tín dụng, tránh phát sinh thêm nợ xấu", ông Lệnh nhấn mạnh.
Nhóm phóng viên