Vai trò của hợp tác xã trong tạo việc làm cho người lao động
06:57 | 03/03/2025
Thời gian qua, lĩnh vực kinh tế hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi như Đắk Nông. Đây là một mô hình kinh tế vừa thúc đẩy sản xuất, vừa giúp phát triển các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, từ đó tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm cho người dân.
Đắk Nông hiện có 310 HTX hoạt động, trong đó có khoảng 18.500 thành viên và hơn 10.500 lao động. Các HTX này không chỉ giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, mà còn tạo ra những mô hình hợp tác hiệu quả trong các ngành nghề khác như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xây dựng và thương mại. Trong số đó, có 196 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu liên quan đến các sản phẩm đặc trưng của địa phương như cà phê, hồ tiêu, ca cao, rau củ, trái cây, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Một trong những điển hình là HTX Công Bằng Đắk Ka, huyện Đắk R’lấp. Giám đốc HTX Trần Văn Phú chia sẻ, cà phê là lợi thế của Đắk Nông. Chúng tôi không chỉ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc mà còn đầu tư máy móc để chế biến cà phê đặc sản, nâng cao giá trị sản phẩm.
HTX này không chỉ hỗ trợ kỹ thuật mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, đồng thời góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông thôn.
Hay như, HTX Thịnh Phát, huyện Đắk Glong, nơi tập hợp hơn 201 nông dân tham gia và sản xuất trên diện tích hơn 800ha cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái và rau củ. Với việc ứng dụng kỹ thuật sản xuất VietGap, HTX tạo ra các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều này không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, Đắk Nông còn có 40 HTX phi nông nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng, giao thông vận tải, QTDND và vệ sinh môi trường. Các HTX này tạo ra các sản phẩm dịch vụ có giá trị và mang lại nhiều việc làm cho lao động trong các ngành nghề khác nhau.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp các HTX này phát triển là sự đầu tư vào cơ sở vật chất và công nghệ. Các HTX ở Đắk Nông không ngừng cải thiện năng lực sản xuất thông qua việc đầu tư máy móc, thiết bị và cải tiến quy trình sản xuất.
Ngoài ra, sự hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước cũng đóng vai trò không nhỏ. Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ các HTX đổi mới công nghệ, đầu tư vào các thiết bị sản xuất hiện đại.
Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông chia sẻ: "Các HTX là cầu nối quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từ đó tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Luôn cam kết đồng hành cùng các HTX, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, kết nối thị trường, giúp họ phát triển bền vững, tạo việc làm ổn định cho người lao động và góp phần xây dựng một nền kinh tế nông thôn vững mạnh".
Với sự phát triển không ngừng về cả quy mô và chất lượng, các HTX ở Đắk Nông dần hình thành các chuỗi giá trị bền vững, giúp liên kết các thành viên từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, có 31 HTX tại Đắk Nông có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, cùng với 34 HTX tham gia vào các chuỗi giá trị như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, rau sạch, chăn nuôi gia súc gia cầm và trồng chế biến cây ăn trái. Những HTX này không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng mà còn đóng góp tích cực vào giải quyết việc làm cho người lao động, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của các hộ gia đình.
Thái Hòa