Cần xử lý nghiêm hành vi tung tin thất thiệt
14:50 | 18/02/2025
Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, không nên vội tin vào các thông tin chưa được kiểm chứng. Khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, cần có sự chọn lọc, xác minh tính chính xác trước khi chia sẻ để tránh tiếp tay cho các hành vi lan truyền tin giả.
Tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận
Mới đây, Công an TP. Đà Nẵng đã mời một người phụ nữ đăng tải thông tin sai sự thật về việc bị bỏ thuốc mê trên đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) lên làm việc. Theo cơ quan chức năng, thông tin mà người này chia sẻ hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở.
Cụ thể, vào rạng sáng ngày 17/2/2025, mạng xã hội Facebook xuất hiện một bài viết do tài khoản có tên “Kiều Linh” đăng tải. Người này kể rằng vào tối ngày 16/2/2025, khi đi làm về gần cầu Rồng, cô đã gặp một thanh niên vẫy xe xin đi nhờ. Sau một lúc trò chuyện, cô cảm thấy “người dần tê liệt”, nên hoảng sợ phóng xe bỏ chạy. Cô còn cho biết, có hai thanh niên khác đi xe máy đuổi theo, buộc cô phải chạy vào một quán nhậu kêu cứu. Sau đó, cô ngã xuống, rơi vào trạng thái “bủn rủn, không biết gì nữa”, khi tỉnh dậy thì đã ở trong bệnh viện.
![]() |
Thông tin sai sự thật việc bị bỏ thuốc mê từ tài khoản "Kiều Linh" gây hoang mang dư luận. |
Bài viết này nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận, gây tâm lý lo lắng, đặc biệt là đối với phụ nữ thường xuyên di chuyển vào ban đêm. Tuy nhiên, sau khi vào cuộc xác minh, Công an TP. Đà Nẵng khẳng định không có chuyện bỏ thuốc mê như bài viết đã nêu. Chủ tài khoản Facebook “Kiều Linh” sau đó đã tự nguyện gỡ bài đăng và đăng thông tin đính chính.
Qua điều tra, Công an đã xác minh được danh tính nam thanh niên được nhắc đến trong bài đăng là L.T.K. (trú Quảng Ngãi), hiện là nhân viên của một quán nhậu trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Theo trình bày của L.T.K., vào khoảng 22h ngày 16/2/2025, sau khi tan ca, anh bắt xe ôm đến cầu Rồng uống nước. Đến 23h30 cùng ngày, khi đang đi bộ trên đường Võ Văn Kiệt, anh nhờ một phụ nữ đi xe máy chở giúp về quán nhậu, nhưng do không có mũ bảo hiểm, người này đã từ chối. Sau đó, anh nhờ cô ấy gọi giúp xe ôm công nghệ, nhưng bất ngờ người phụ nữ lại lái xe bỏ đi. Đến khi bị công an mời làm việc, anh mới biết mình bị liên quan đến một vụ tung tin đồn thất thiệt.
Không chỉ tại Đà Nẵng, tình trạng tung tin giả cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác. Tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), công an địa phương đã xử lý một trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội. Tài khoản Facebook có tên “N.T.” đã đăng nội dung: “Xe này bắt cóc nè, giờ tới Ea Súp mình rồi, mọi người cẩn thận nhé đừng lại gần”, kèm theo hình ảnh một chiếc ô tô. Qua xác minh, công an địa phương xác định chiếc xe trên chỉ là phương tiện của một người dân đi bán hàng.
![]() |
Chủ tài khoản Facebook Kiều Linh đã phải đăng thông tin đính chính sự việc. |
Tương tự, tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên), trang Facebook “Khánh Hòa TV” đã lan truyền thông tin về một vụ bắt cóc trẻ em ở xã Xuân Thịnh. Tuy nhiên, qua điều tra, Công an địa phương khẳng định không có trường hợp nào như vậy. Người đàn ông bị nghi ngờ là “kẻ bắt cóc”, thực chất chỉ là một người lái xe đến đón khách thăm người quen.
Xử lý nghiêm để răn đe
Hành vi tung tin thất thiệt không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự và danh dự của cá nhân, tổ chức bị vu khống. Theo quy định của pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm, những người tung tin giả có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Ngoài ra, Luật An ninh mạng năm 2018 cũng quy định nghiêm cấm hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội. Nếu vi phạm nghiêm trọng, người tung tin giả có thể đối mặt với án phạt tù.
![]() |
Cần xử lý nghiêm các trường hợp tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận. |
Việc xử lý nghiêm các trường hợp tung tin đồn thất thiệt không chỉ nhằm bảo vệ sự thật, mà còn giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội. Cộng đồng cần nhận thức rõ rằng, thông tin trên mạng không phải lúc nào cũng chính xác, và việc chia sẻ một thông tin chưa được kiểm chứng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, không nên vội tin vào các thông tin chưa được kiểm chứng. Khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, cần có sự chọn lọc, xác minh tính chính xác trước khi chia sẻ để tránh tiếp tay cho các hành vi lan truyền tin giả.
Bên cạnh đó, cơ quan báo chí, truyền thông cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ tác hại của tin đồn thất thiệt. Cần nhấn mạnh rằng, trong thời đại số hóa, mỗi người đều có trách nhiệm với những nội dung mình đăng tải hoặc chia sẻ trên mạng xã hội.
Có thể nói, việc tung tin sai sự thật là hành vi đáng lên án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có biện pháp mạnh mẽ để xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, chính xác và đáng tin cậy…
Nghi Lộc