![]() |
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Đề xuất việc cần một hệ sinh thái tài chính linh hoạt cho khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng cơ chế tài chính linh hoạt là yếu tố quyết định giúp khoa học và công nghệ phát triển bền vững. Theo ông, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần có quỹ đầu tư mạo hiểm mạnh mẽ và ít ràng buộc hơn về điều kiện pháp lý. Bộ trưởng đề xuất bỏ các quy định giới hạn vốn cứng nhắc, cho phép các quỹ huy động nguồn lực lớn và đầu tư vào các dự án công nghệ cao.
Cụ thể, khoản 12.800 tỷ đồng trong Khoản 1 Điều 17 của dự thảo nghị quyết cần được duy trì và giao cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) để đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển. Theo ông, việc tập trung nguồn lực vào một đầu mối có năng lực sẽ giúp đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong phát triển công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực AI, viễn thông và an ninh mạng.
Về miễn trách nhiệm dân sự và hình sự để khuyến khích đổi mới sáng tạo, ông Hùng cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay là tâm lý lo ngại về trách nhiệm dân sự và hình sự khi thực hiện các dự án khoa học có rủi ro cao. Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh rằng cần tạo môi trường pháp lý an toàn hơn cho các nhà khoa học, giúp họ dám thử nghiệm những công nghệ mới mà không sợ hậu quả pháp lý nếu nghiên cứu không thành công.
Hiện nay, Luật Khoa học và Công nghệ đã có quy định miễn trách nhiệm dân sự cho các nhà nghiên cứu, tuy nhiên Bộ luật Hình sự vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng về miễn trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp đặc thù. Bộ trưởng đề xuất cần bổ sung cơ chế miễn trách nhiệm hình sự đối với các hoạt động nghiên cứu có tính chất đột phá, đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá rủi ro rõ ràng để tránh lạm dụng chính sách này.
Cho rằng, cần thay đổi phương thức giao nhiệm vụ khoa học công nghệ hiện nay, Bộ trưởng Hùng cũng đề xuất cải tiến mô hình giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Theo ông, hình thức khoán ngân sách hiện tại đang khiến nghiên cứu bị bó buộc và kém linh hoạt. Thay vào đó, ông đề xuất áp dụng cơ chế đấu thầu nhiệm vụ khoa học, trong đó các đơn vị nghiên cứu cạnh tranh dựa trên năng lực và tính thương mại hóa của đề tài.
Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn khuyến khích các tổ chức nghiên cứu tập trung vào các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng cao. Ông dẫn chứng mô hình của Israel, nơi các doanh nghiệp, nhà khoa học và quỹ đầu tư cùng hợp tác để đưa nghiên cứu vào thực tiễn nhanh chóng và hiệu quả.
Về định hướng phát triển theo mô hình công nghệ của các quốc gia tiên tiến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần học hỏi mô hình phát triển công nghệ của các quốc gia tiên tiến, đặc biệt là Israel. Ông cho rằng Israel đã thành công trong việc tạo ra một thị trường công nghệ, trong đó nhà nước đóng vai trò kết nối, hỗ trợ và đảm bảo các doanh nghiệp khởi nghiệp có đủ điều kiện để thương mại hóa sản phẩm khoa học.
![]() |
Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất sợi bằng công nghệ hiện đại (Nguồn internet) |
Ông đề xuất Việt Nam cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với các nhà khoa học, trong đó Nhà nước đóng vai trò là bên hỗ trợ qua cơ chế chia sẻ bản quyền công nghệ và hỗ trợ tài chính có điều kiện. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh các cơ chế thu hút nhân tài khoa học, công nghệ từ nước ngoài về làm việc nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển.
Cho rằng, cần thiết phải hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần các chính sách ưu đãi thuế và tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển. Ông đề xuất cần có quỹ tín dụng đặc biệt dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, giúp họ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp.
Đồng thời, ông cũng đề nghị tận dụng tối đa lợi thế từ chuyển đổi số để hỗ trợ các doanh nghiệp này mở rộng thị trường. Theo ông, với sự bùng nổ của thương mại điện tử và nền kinh tế số, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần được hỗ trợ đầu ra và tiếp cận thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định rằng nếu không có cơ chế tài chính linh hoạt, chính sách pháp lý phù hợp và phương thức giao nhiệm vụ khoa học tối ưu, Việt Nam sẽ khó có thể tạo ra những đột phá thực sự trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ông nhấn mạnh rằng các đề xuất này không chỉ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, mà còn tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiến vào giai đoạn phát triển kinh tế tri thức, từ đó cạnh tranh với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/co-che-tai-chinh-linh-hoat-la-yeu-to-quyet-dinh-giup-khoa-hoc-va-cong-nghe-phat-trien-ben-vung-160549.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.