Bán lẻ và công nghệ tài chính tiếp tục dẫn dắt làn sóng IPO
14:45 | 08/02/2025
Giá trị vốn huy động của các thương vụ IPO tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức 47,5 tỷ USD trong vài năm tới, trong đó nhóm Fintech (công nghệ tài chính), dịch vụ IT và bán lẻ tiêu dùng dự báo sẽ góp mặt với nhiều thương vụ giá trị lớn.
![]() |
Nhiều thương vụ IPO lớn dự kiến diễn ra trong năm nay sẽ bổ sung hàng chục tỷ USD cho thị trường chứng khoán - Ảnh: Quốc Sơn |
Báo cáo thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại khu vực Đông Nam Á vừa được Deloitte công bố, trong năm qua, các quốc gia khu vực này ghi nhận 136 thương vụ IPO; tổng vốn huy động được là 3,7 tỷ USD và vốn hóa thị trường đạt 19,1 tỷ USD.
Riêng tại Việt Nam, năm 2024, chỉ có một thương vụ IPO duy nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE được hoàn tất. Tuy nhiên, số tiền huy động được là 37 triệu USD, cao gấp 5 lần mức huy động trung bình của mỗi thương vụ IPO tại Việt Nam giai đoạn 2021-2023 (trung bình giai đoạn này huy động được 7,09 triệu USD/thương vụ).
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, trong năm 2025 thị trường IPO Việt Nam sẽ có nhiều động lực để bứt phá.
Trong đó, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số Chính phủ đặt ra cũng như các kỳ vọng về phục hồi của thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2025 sẽ là những động lực chính thúc đẩy các doanh nghiệp lớn chào sàn và cạnh tranh thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Căn cứ trên diễn biến thực tế thị trường, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cũng nhận định rằng “làn sóng” IPO tại Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng và phát triển mạnh vào các năm 2027-2028 với mức vốn huy động khoảng 47,5 tỷ USD. Trong số này, mảng dịch vụ tài chính, fintech và mảng tiêu dùng sẽ là những mảng xuất hiện nhiều thương vụ IPO có giá trị huy động vốn lớn.
Cụ thể, các thương vụ IPO dự kiến sẽ diễn ra trong 2-3 năm tới của Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) và Công ty cổ phần Chứng khoán VPS sẽ đóng góp khoảng 5 tỷ USD vốn huy động. Nhóm công nghệ tài chính và dịch vụ IT, bao gồm các thương vụ IPO của Viettel IDC, VNG, Misa, VNPay… sẽ đóng góp khoảng 4,7 tỷ USD.
Trong khi đó, nhóm tiêu dùng, với các tên tuổi lớn như Thaco Auto, Bách Hoá Xanh, Golden Gate, Highlands Coffee khi IPO sẽ đóng góp khoảng 12,8 tỷ USD. Và nhóm khách sạn, giải trí, chăm sóc sức khỏe kỳ vọng sẽ đạt mức huy động gần 5 tỷ USD với sự góp mặt của Vinpearl; chuỗi nhà thuốc Long Châu, chuỗi nhà thuốc Xuyên Á cũng như các thương hiệu giải trí Datviet Vac và Galaxy Media.
Các chuyên gia nhận định rằng, hiện nay cấu trúc thị trường vốn Việt Nam vẫn còn mang tính truyền thống. Ngành tài chính - ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đến là bất động sản, tiêu dùng và năng lượng.
Trong năm nay và các năm sắp tới ngoài việc phát triển thêm các thương vụ IPO, thì hoạt động chuyển sàn từ UPCoM lên HoSE của nhiều doanh nghiệp lớn (như ACV, BSR, MCH) sẽ giúp quy mô vốn thị trường chứng khoán tăng thêm khoảng 20 tỷ USD.
Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiến hành rà soát, sửa đổi các quy định để tích hợp hai quy trình IPO và niêm yết thành một có thể sẽ tạo ra cơ sở pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp lớn IPO và niêm yết cổ phiếu sớm hơn so với dự kiến.
Ngoài ra, làn sóng niêm yết của các doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch của SCIC trong các năm 2025-2028 cũng sẽ là động lực để các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh việc mua ròng trở lại. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán cũng sẽ là động lực cho thị trường IPO.
Thạch Bình