Ươm tạo startup công nghệ Việt tầm thế giới
08:00 | 28/01/2025
“Khởi nghiệp sáng tạo để bứt phá, vượt qua chính mình, để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại, là yếu tố đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - đó là thông điệp về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát đi trong hội nghị về chủ đề này mới đây.
“Sàn” huy động vốn sơ cấp cho startup Startup Việt Nam Alternō giành chiến thắng tại APAC năm 2024 Quỹ đầu tư “săn” startup và cổ phần tư nhân |
Trên thực tế Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững, thể hiện rõ trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030). Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, “bức tranh” hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng, như có những công ty “kỳ lân”, hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Cả nước có hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (startup), 202 khu làm việc chung, 208 quỹ đầu tư, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 79 cơ sở ươm tạo, và khoảng 170 trường đại học, cao đẳng tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đã được hình thành tại các địa phương và trên toàn quốc. Năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.
Trong quá trình phát triển, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Từ những bước đầu tiên, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã vươn lên trở thành “điểm sáng” không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới. Vai trò của doanh nghiệp là trung tâm trong việc hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia mạnh mẽ, không ngừng kết nối với các nguồn lực quốc tế, từ đó nâng tầm Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng, đồng hành, sát cánh cùng đất nước tiến xa hơn trên con đường hội nhập và phát triển bền vững trong kỷ nguyên chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Hiện cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình rất phong phú. Điển hình, gần 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động, nhiều trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Mới đây nhất, UBND TP. Hồ Chí Minh có quyết định thành lập Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Trung tâm này hướng đến tập hợp và kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, là đầu mối hợp tác trong và ngoài nước về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với các tổ chức, tập đoàn công nghệ, cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công.
Đặc biệt, Trung tâm sẽ tổ chức hoặc phối hợp với các cơ sở ươm tạo, trường, viện phát triển, ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp xã hội giải quyết các vấn đề cộng đồng thông qua các hoạt động tìm kiếm, tuyển chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh… cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Tổ chức tham gia các chương trình xây dựng thương hiệu khởi nghiệp thành phố để thu hút cộng đồng quốc tế, quỹ Đầu tư mạo hiểm, quỹ Tập đoàn - Corporate Venture Capital Fund, kết nối hệ sinh thái với các trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tại các thành phố khác, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ…
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ, năm 2015 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở thành phố còn mức độ sơ khai, nhưng khi Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” cùng với hàng loạt chương trình, chính sách thì đến nay thành phố đã có tên trên bản đồ thế giới về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh được xếp hạng 113/1.000 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.
“Đây là một trong những tín hiệu mà chúng ta có thể tin tưởng vào tương lai của kỷ nguyên đổi mới sáng tạo. Sự tham gia của chính quyền với một số chính sách mang tính kích cầu, cũng như sự tham gia mạnh mẽ của các trường, viện, vườn ươm, doanh nghiệp… kỳ vọng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 98, thành phố sẽ vượt từ 10-20% các chỉ tiêu đã đề ra” - ông Nguyễn Việt Dũng nói.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là năng động nhất cả nước, chiếm 50% số lượng startup, 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, 44% lượng vốn đầu tư, 60% số thương vụ của cả nước. TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương đầu tiên có chính sách đặc thù về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn 2016-2022, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đạt khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, hơn 60% doanh nghiệp gọi vốn thành công là của TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam hiện có 4 “kỳ lân” công nghệ là VNG, VNPay, MoMo, Sky Mavis, trong đó 3/4 là của thành phố.
Kế hoạch 433/KH-UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai các chính sách hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2024-2028, đặt mục tiêu đến năm 2028 sẽ hỗ trợ hơn 1.000 dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo; hơn 700 dự án ở giai đoạn ươm tạo và hơn 200 dự án ở giai đoạn tăng tốc tiếp cận với các nhà đầu tư mạo hiểm.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố đang tập trung xây dựng để trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền tảng trung tâm khoa học công nghệ tầm ASEAN và hướng đến tầm châu lục vào năm 2030. Thành phố có nhiều dư địa, cơ hội, nhiều đơn đặt hàng để khởi nghiệp. Song, khởi nghiệp phải có “vườn ươm”, điều này chính quyền phải chăm lo. Ngoài ra, phải có chính sách hỗ trợ về tài chính, vốn cụ thể. Cùng với đó, phải có chính sách khuyến khích, thu hút vượt trội, không thể giống như những nơi khác để tương xứng với tiềm năng, vị trí vai trò “đầu tàu” của TP. Hồ Chí Minh.
Thanh Tuyết