Doanh nhân trước vận hội mới
08:00 | 29/01/2025
Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới. Đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới đồng thời cũng ẩn chứa nhiều khó khăn, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp không chỉ tự “đổi mới” mình đề tồn tại và phát triển mà doanh nhân cần hòa khát vọng của mình vào khát vọng chung của dân tộc, phát huy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường vươn lên, tạo tiền đề vững chắc cho Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao. Những khát vọng này đang được các doanh nghiệp, doanh nhân hiện thực hóa trong chiến lược phát triển của mình.
![]() |
GS.TS. Đinh Văn Hiến, Chủ tịch Tập đoàn DKNEC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia
Nâng cao ý thức chia sẻ, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội
Năm 2025, dự cảm sẽ là một năm thật ý nghĩa với nhiều vận hội tươi mới, bứt phá được mở ra từ những động thái chính trị vĩ mô cả trong nước và trên thế giới. Cơ hội sẽ đi kèm thách thức. Tất nhiên, thời nào cũng vậy. Nhưng chúng ta có quyền hy vọng về một năm mở đầu của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dựa trên những thành tựu kinh tế - xã hội mà đất nước đã đạt được trong năm 2024, cùng với tinh thần đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ về một năm 2025 với những quyết sách quan trọng vừa đúng xu thế, vừa hợp lòng dân.
Bản thân chúng tôi, là một doanh nghiệp có gần 1/4 thế kỷ chuyên lĩnh vực tự động hoá, mà sản phẩm cốt lõi là Hệ thống tự động hóa quản trị doanh nghiệp DMEs, chuyên cung cấp và lắp đặt cho các nhà máy, tổng công ty về dây chuyền sản xuất. Tôi nhận thấy, thật may mắn khi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mình ngày càng hợp với xu thế của thời kỳ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo công nghệ. Trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về công nghệ vẫn luôn là khát vọng của chúng tôi, nhưng chúng tôi không nóng vội mà sẽ tìm những bước đi vững chắc, lấy phát triển bền vững làm mục tiêu lớn, đảm bảo một cuộc sống cân bằng, hài hoà, hạnh phúc cho doanh nghiệp cũng như đội ngũ của mình.
Đặc biệt, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (ViNen), tôi nhận thấy, sứ mệnh của mình cần phải lớn hơn, vượt ra ngoài quy mô của một tập đoàn, một doanh nghiệp đơn thuần để hướng trở thành một doanh nhân, doanh nghiệp có ý thức chia sẻ, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và thực hiện trách nhiệm xã hội. Cùng chung tay xây dựng một Không gian khởi nghiệp sáng tạo, một Hệ sinh thái khởi nghiệp, kiến quốc là khát vọng và cũng là mục tiêu của chúng tôi đặt ra cho năm 2025 và những năm tiếp theo. Hiện chúng tôi đã làm xong đề án tiền khả thi. Mục tiêu là trang bị, đào tạo những kiến thức nền tảng toàn diện và hệ thống với những tiêu chí cơ bản cho các doanh chủ tương lai, giúp cho việc khởi nghiệp thành công hơn, đỡ rủi ro, thất bại hơn so với khi chưa được trang bị đầy đủ.
Và đấy cũng là một trong những lý do để chúng tôi cho ra đời cuốn sách “Lý thuyết kết nối không gian thích nghi toàn diện TASL”. Cuốn sách với kỳ vọng không chỉ là một tài liệu mang tính lý thuyết mà còn là công cụ hướng dẫn thực tiễn, giúp người đọc áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống thực tế, thông qua 6 trục cơ bản là: Trục thời gian; Trục lịch sử và tôn giáo và tâm linh; Trục không gian địa lý và vị trí; Trục tư duy sáng tạo; Trục cảm xúc, đam mê và thứ 6 là Trục giá trị.
Dựa trên các trục cơ bản này, người đọc nói chung và các doanh nhân, doanh nghiệp nói riêng có thể sử dụng cảm xúc và đam mê như một công cụ để giải quyết vấn đề và tạo ra giá trị mới, từ đó có thể tự đánh giá Chỉ số TASL cho chính mình hay những người xung quanh; giúp cho cuộc sống của chúng ta hoàn hảo hơn, công việc được hiệu năng, hiệu quả và thành công hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, đồng sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Điều hành MoMo
Sức mạnh công nghệ giúp tối ưu hóa nguồn lực, đưa đất nước vươn xa
![]() |
Năm qua ghi nhận những thành tựu đột phá của MoMo trong việc thúc đẩy thị trường tiêu dùng, hỗ trợ các ngành nghề, lĩnh vực đang có sự chuyển dịch nhanh chóng và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại số. Có thể nói, những thành tựu mà MoMo đạt được chính là nhờ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho đất nước. Thông qua đó, MoMo cung cấp các giải pháp công nghệ giúp chính quyền, người dân và doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, năng suất lao động và tăng doanh thu.
Sở dĩ có thể làm được những điều “không tưởng” này là do MoMo có niềm tin vào tài năng và trí tuệ của con người Việt Nam. Những sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp sáng tạo ra là sản phẩm của người Việt, cho người Việt với 100% nhân sự làm sản phẩm công nghệ là những người trẻ, nắm giữ trong tay nền tảng công nghệ thuần Việt, phục vụ người Việt, phục vụ sự phát triển của đất nước. Và chúng tôi tin rằng, tiềm năng, tài năng của các kỹ sư người Việt là không thể phủ nhận và sẽ giúp Việt Nam tự hào, sánh vai vươn mình với quốc tế.
Dựa vào niềm tin vững chắc này, MoMo đã dần xây dựng nền móng cho việc bình dân hóa dịch vụ tài chính và cung cấp năng lực chuyển đổi số cho các đối tác với kết quả khả quan, từ đấy giúp chúng tôi quyết tâm hơn với con đường này.
Chính sức mạnh của công nghệ giúp các thế hệ thay đổi và học hỏi rất nhanh. GenAI với những tiềm năng vô tận có thể chinh phục những đỉnh cao không tưởng tượng được. Đối với các doanh nghiệp, việc ứng dụng AI không chỉ thay đổi cách làm sản phẩm, cung cấp dịch vụ, tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu, mở rộng thị trường và đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra những thế hệ doanh nghiệp nhiệt huyết, tài năng, chinh phục những giá trị mới để cùng nhau kiến tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp vươn mình tiến xa cùng đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thời đại công nghệ số.
Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty DUYTAN Recycling
Nỗ lực hướng tới tương lai xanh bền vững
![]() |
Là đơn vị tiên phong chuyển đổi xanh mô hình tái chế nhựa tuần hoàn, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) dần hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, giúp giảm thiểu tác động tới môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh và góp phần thúc đẩy cho các doanh nghiệp gia tăng sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất bao bì.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong Top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa. Chỉ riêng lượng chai nhựa cứng thải ra môi trường từ khu vực Đà Nẵng đến các tỉnh miền Nam, mỗi ngày, DUYTAN Recycling thu gom đến 180 tấn, tương đương 14 triệu chai nhựa thu được.
Với công suất thiết kế đạt 100.000 tấn/năm, DUYTAN Recycling hy vọng sẽ đóng góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn và khuyến khích các doanh nghiệp cùng chung tay. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là phát triển ngành tái chế, mà còn góp phần vào việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đang gia tăng và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển hướng mạnh mẽ sang kinh tế tuần hoàn, DUYTAN Recycling đã nỗ lực phát triển các hoạt động bền vững nhằm góp phần lan tỏa giá trị và niềm tự hào của ngành công nghiệp xanh tại Việt Nam.
Công ty hiện sở hữu hơn 20 chứng chỉ quốc tế, bao gồm tiêu chuẩn FDA của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ và chứng nhận EFSA của Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu. Ngoài ra, năm 2023, DUYTAN Recycling vinh dự trở thành đơn vị tái chế đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao.
Thời gian tới, DUYTAN Recycling định hướng chiến lược phát triển để trở thành công ty tái chế nhựa công nghệ cao, đi đầu trong việc đầu tư ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam
Ngành tài chính ngân hàng trước cơ hội bùng nổ tăng trưởng
![]() |
Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành quyết định số 1236/QĐ-TTg, công bố Chiến lược Quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra mục tiêu đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành Blockchain.
Việc Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất được giao nhiệm vụ đích danh trong Chiến lược Blockchain Quốc gia là một vinh dự tự hào, đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn lao.
Blockchain đang được ứng dụng mạnh mẽ trong ngành Ngân hàng cả trong nước và quốc tế. Tại Việt Nam, một số ngân hàng đã công bố ứng dụng công nghệ Blockchain trong giao dịch tài chính có thể kể đến như VietinBank, Vietcombank, MB Bank, VPBank, HDBank... Trên thế giới, các tên tuổi lớn như HSBC, Standard Chartered, JP Morgan... đều đã tham gia sâu vào cuộc đua ứng dụng công nghệ Blockchain từ lâu.
Trong tương lai gần, sự phát triển của công nghệ blockchain sẽ có tác động sâu rộng, đa chiều, thậm chí có thể coi là động lực thúc đẩy ngành Ngân hàng Việt Nam phát triển bùng nổ theo hướng minh bạch, hiệu quả và phù hợp với xu hướng số hóa toàn cầu.
Về mặt tích cực, có thể kể đến các yếu tố như tăng cường bảo mật, minh bạch; đẩy mạnh tự động hóa; cải thiện dịch vụ thanh toán quốc tế; giảm chi phí tuân thủ và quản lý rủi ro; mở rộng những dịch vụ tài chính mới như Defi (tài chính phi tập trung) giúp thúc đẩy đổi mới, tăng sức cạnh tranh cho các NHTM và các tổ chức tài chính. Chiến lược Blockchain Quốc gia có thể là một cơ hội, nhưng cũng đồng thời là một lời nhắc nhở các tổ chức tài chính - ngân hàng Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ và sự quyết liệt tham gia vào thế giới tài chính Web3 đang rất sôi động này.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Mục tiêu 48 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho ngành dệt may
![]() |
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023 và sẵn sàng chinh phục mục tiêu 48 tỷ USD cho năm 2025. Từ chỗ chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đến nay ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu, đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Thị trường trong nước 25 năm qua cũng tăng từ hơn 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD.
Thời gian gần đây các đơn hàng dịch chuyển về số lượng nhưng hầu như không có sự gia tăng về giá. Để có thể đón nhận các đơn hàng đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị, thích ứng bằng cách đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, tự động hóa để nâng cao năng suất, giảm chi phí lao động; đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu giao hàng nhanh chóng hơn. Ngoài các đơn hàng dịch chuyển theo chuỗi cung ứng, nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đối tác khách hàng và sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua cũng đã phát huy hiệu quả. Hàng dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 thị trường trên toàn cầu. Bên cạnh khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP và các nước Asean, sản phẩm dệt may Việt Nam cũng đã tiến vào các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…
Đặc biệt, thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031 - 2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty Lữ hành Saigontourist
Du lịch xanh là con đường tất yếu
![]() |
Cách đây 2 năm khi tham gia các hội chợ quốc tế, chúng tôi đã nhận thấy xu hướng các tập đoàn trên thế giới đều triển khai chiến lược phát triển bền vững ESG. Các tập đoàn tàu biển cũng như các tập đoàn lớn đến từ Mỹ và châu Âu cũng đặt vấn đề rằng Lữ hành Saigontourist muốn làm đối tác của họ thì phải triển khai các chương trình du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Vì thế, ngay từ lúc đó chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu về các tổ chức liên quan. Trên thế giới có rất nhiều đơn vị chứng nhận về du lịch bền vững, du lịch xanh và du lịch trách nhiệm, nhưng chúng tôi nhận thấy Travelife là tiêu chuẩn được nhiều đơn vị, tổ chức hướng theo nhất. Hiện có hơn 35 hiệp hội du lịch các quốc gia đang cùng phối hợp triển khai chương trình này đến các thành viên. Vì thế, chúng tôi đã chọn gia nhập. Thế nhưng, chỉ tour xanh thôi là chưa đủ. Travelife có 2 nội dung lớn cần đáp ứng: thứ nhất là triển khai trong nội bộ công ty, thứ hai là tất cả đối tác anh lựa chọn cũng phải tuân thủ 141 tiêu chí này.
Trước mắt, Travelife Partner đã giúp Lữ hành Saigontourist đáp ứng đầy đủ yêu cầu để tham gia đấu thầu quốc tế đơn hàng từ các tập đoàn tàu biển lớn đến từ châu Âu, Mỹ cho những năm kế tiếp 2025 - 2027. Về lâu dài, ngoài chuyện có quy trình ISO 26000 quản lý chất lượng, chúng tôi còn có thêm các điều kiện, quy trình, bộ điều kiện để đánh giá được những nhà cung ứng, từ đó kiểm soát được các nhà cung ứng, làm nên một hệ sinh thái được kiểm soát chuyên nghiệp, bài bản từ đầu vào. Đó là lợi thế để Lữ hành Saigontourist hòa nhập vào cuộc chơi của các quốc gia, cũng như sẵn sàng đáp ứng bất kể yêu cầu nào từ các đối tác trong và ngoài nước.
Hiện nay, nhu cầu du lịch xanh, du lịch bền vững ngày càng lớn, đặc biệt ở giới trẻ. Họ muốn đóng góp vào môi trường sống, làm thiện nguyện… nên đòi hỏi những sản phẩm du lịch kết hợp trồng cây, du lịch dọn dẹp môi trường… Thế nên muốn tồn tại và phát triển, phải tạo ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Xanh không còn là lựa chọn mà là con đường tất yếu.
Mr. Choi Yun Sun, Giám đốc tài chính KBSV
Tăng tốc chuyển đổi số, kiến tạo tương lai xanh
![]() |
Cuộc chiến cạnh tranh trên thị trường chứng khoán ngày càng gay gắt, buộc chúng tôi phải thật nhanh chóng và linh hoạt trong chuyển đổi số. Là công ty đến từ nước ngoài, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công cuộc nhận diện thương hiệu, chưa thể cạnh tranh với các công ty chứng khoán trong nước. Để có thể kiên trì với mục tiêu mở rộng nhận diện thương hiệu là “Công ty chứng khoán số hàng đầu Việt Nam” với chiến lược “Lấy công nghệ là yếu tố cốt lõi”, chúng tôi sẽ cần thời gian và sự cố gắng gấp nhiều lần hơn nữa so với đối thủ. Đi đôi với chuyển đổi số là sự đòi hỏi về đầu tư tài chính lớn nhưng vẫn có thể mang lại rủi ro về an ninh thông tin, bảo mật dữ liệu. Bởi vậy, đây cũng là một trong những thách thức mà chúng tôi cần hoạch định kỹ lưỡng để bảo đảm cho quyền lợi của khách hàng cũng như sự phát triển của công ty.
2024 là năm thứ hai KBSV Việt Nam vượt qua gần 500 đối thủ, đáp ứng 130 chỉ tiêu trong bốn lĩnh vực; Kết quả phát triển bền vững; Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường và Chỉ số Lao động - Xã hội để lọt “Top 100 doanh nghiệp bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng. Đây chính là minh chứng cho những nỗ lực và sự thành công của KBSV trong công cuộc tạo ra những sáng kiến bền vững và chuyển đổi số. Song hành với công nghệ, KBSV cũng luôn coi trọng yếu tố con người. Ngay khi bắt đầu xây dựng chiến lược dài hạn cũng như kế hoạch thường niên về các hoạt động phát triển bền vững, chúng tôi đã thiết lập “Hội đồng vì sự phát triển bền vững” - có nhiệm vụ giám sát, quản lý và đánh giá các hoạt động ESG. Cùng với đó, mỗi kế hoạch xây dựng dự án mới về IT trong hệ thống tài chính xanh đều có sự tham gia của đại diện các phòng ban kinh doanh, điều này không chỉ giúp gắn kết lợi ích công việc giữa các bộ phận một cách hiệu quả, mà còn có thể nắm bắt được nhu cầu sử dụng thực tiễn của khách hàng, từ đó phát triển và hoàn thiện hơn các tính năng sản phẩm trước khi tung ra thị trường. Không chỉ dừng lại ở đó, KBSV cũng đã và đang triển khai mở rộng kết nối với các ngân hàng Việt Nam, tập đoàn viễn thông lớn để tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính của công ty một cách tiện lợi nhất.
Nhóm PV thực hiện