Cần phát triển du lịch có trách nhiệm
11:16 | 27/09/2024
Doanh nghiệp du lịch và khách sạn sẽ phải định hình lại trong tương lai do những thay đổi về thị trường và điểm đến.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành du lịch Tập trung đổi mới, sáng tạo trong ngành du lịch |
Vậy làm thế nào để phát triển ứng dụng công nghệ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như mang lại lợi ích cho người dân, hướng đến phát triển bền vững và du lịch có trách nhiệm? Điều này đã được nhiều chuyên gia tập trung thảo luận tại diễn đàn “Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo ngành khách sạn” (HORECFEX 2024) vừa diễn ra tại Đà Nẵng.
Công nghệ đang làm mới cách thức thưởng thức ẩm thực, hỗ trợ từng giai đoạn trong quá trình lập kế hoạch chuyến đi, bao gồm tìm kiếm các điểm đến tiềm năng và các lựa chọn đặt nơi lưu trú. Cảm hứng du lịch dựa trên nhu cầu và yêu cầu của du khách sẽ tác động đến việc tạo lịch trình khám phá một thành phố, một quốc gia hay thậm chí một khu vực cụ thể.
Chuyển đổi số và tích hợp công nghệ du lịch hiện đại mở ra nhiều cơ hội, giúp du khách khám phá thế giới một cách thuận lợi và cá nhân hóa. Trong thời gian qua, các cơ sở doanh nghiệp, nhà hàng khách sạn đã nhanh chóng thích ứng với các dịch vụ linh hoạt với sự hỗ trợ của công nghệ, cho phép khách hàng điều chỉnh hoạt động mua sắm và thanh toán.
Bà Tracie May Wagner, Trưởng Ban Biên tập tạp chí ẩm thực Epicure Việt Nam cho rằng, các nền tảng như: MoMo, ZaloPay và ApplePay được sử dụng trên khắp Việt Nam, từ những người bán hàng rong nhỏ đến các chuỗi nhà hàng lớn, cho phép người dân và du khách thực hiện giao dịch nhanh chóng và an toàn. Thanh toán kỹ thuật số giúp giảm rủi ro liên quan đến việc xử lý tiền mặt và cải thiện độ chính xác, với các giao dịch được ghi lại tự động để theo dõi tài chính dễ dàng hơn.
Bên cạnh việc liên tục cải tiến công nghệ, nhiều doanh nghiệp như IPBase, AIAI, Grab... đã đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động vận hành tại các sân bay, ga tàu, bến xe cũng như cung cấp các dịch vụ di chuyển an toàn, tin cậy và tiện lợi cho du khách.
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Cùng đó, phát triển du lịch bền vững cũng là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cùng với mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trang bị cho lực lượng lao động tương lai để đáp ứng được nhu cầu ngày càng thay đổi của ngành.
Với các hoạt động kết nối kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu hướng thị trường... tại HORECFEX Việt Nam 2024, các chuyên gia và diễn giả tập trung trao đổi các giải pháp để ngành du lịch bền vững, giảm lượng carbon, bảo vệ nguồn nước, bảo tồn động vật hoang dã và hệ sinh thái, hạn chế tác động đến môi trường, hỗ trợ và kết nối tốt hơn với người dân địa phương.
Theo ông Ken Wood, Trưởng nhóm "Dự án Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam”, để đạt được mục tiêu NetZerro vào năm 2050, Việt Nam cần tập trung các ngành có lượng phát thải carbon ít hơn và giảm phát thải trong các lĩnh vực tăng trưởng hiện có. Đồng thời, thực hiện và lập kế hoạch chính sách, quản lý điểm đến du lịch để du khách nhận thức rõ hơn về những nỗ lực bảo vệ môi trường và lựa chọn du lịch một cách có trách nhiệm. Từ đó, hướng đến mục tiêu tạo ra những nơi tốt hơn để mọi người sinh sống và những nơi tốt hơn để du khách đến thăm.
Các giải pháp bền vững và sáng kiến về môi trường ngày càng trở nên quan trọng hơn, nhất là khi du khách ngày càng ưu tiên chọn cho các cơ sở lưu trú cam kết với những yếu tố bền vững. Ông Ken Wood cho rằng, du lịch quá mức sẽ để lại hậu quả của sự phát triển mất kiểm soát, mà người dân chính là nạn nhân chịu tác động tiêu cực…
Thái Hòa