Viettel chính thức khai thác hệ thống cáp quang biển AAE-1 Việt Nam thêm tuyến cáp quang biển Chất lượng Internet đang trở về trạng thái bình thường |
Trong Chiến lược, Bộ TT&TT xác định: Hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam là thành phần quan trọng của hạ tầng số, phải được ưu tiên đầu tư hiện đại, đi trước một bước, bảo đảm kết nối của Việt Nam ra quốc tế có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, an toàn, bền vững, đủ không gian để một số đô thị trở thành trung tâm dữ liệu khu vực - Digital Hub.
Phát triển hệ thống cáp quang quốc tế nhằm mục tiêu xây dựng khả năng tự chủ trong việc thiết lập, triển khai, sửa chữa các tuyến cáp quang quốc tế, đảm bảo an toàn cho mạng lưới Internet Việt Nam, đáp ứng đầy đủ nhu cầu kết nối quốc tế cho phát triển kinh tế số, xã hội số, quốc phòng - an ninh.
Tầm nhìn đến năm 2035, hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực về cả số lượng, dung lượng và chất lượng, trở thành lợi thế thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn, tới siêu lớn.
![]() |
Cáp quang biển kết nối Internet đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược chuyển đổi số |
Để hiện thực hóa các quan điểm, tầm nhìn nêu trên, Chiến lược đặt mục tiêu triển khai và đưa vào hoạt động tối thiểu thêm 10 tuyến cáp quang biển mới với công nghệ hiện đại, nâng tổng số tuyến cáp quang biển của Việt Nam lên tối thiểu 15 tuyến với dung lượng tối thiểu 350 Tbps. Trong đó, có tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ kết nối trực tiếp tới các Digital Hub trong khu vực.
Cũng đến năm 2030, hệ thống cáp quang trên biển của Việt Nam được triển khai phân bổ hài hòa theo tất cả các hướng khả thi về mặt kỹ thuật: Kết nối ra biển Đông lên phía Bắc; kết nối ra biển Đông xuống phía Nam; kết nối ra vùng biển phía Nam.
Đồng thời, Việt Nam dự định triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 2 tuyến cáp quang đất liền quốc tế, đảm bảo tổng dung lượng cáp quang quốc tế trên đất liền đạt tối thiểu 15% dung lượng sử dụng thực tế của hệ thống cáp quang trên biển.
Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế gồm: AAG (châu Á - Mỹ); APG (châu Á - Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây u); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu u). Ngoài ra, còn một tuyến cáp quang với quy mô nhỏ hơn là TVH, có chiều dài chỉ 3.367km, kết nối Thái Lan, Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc).
Ngày 13/6, có 3 trong tổng số 5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố.
Cụ thể, tuyến cáp IA mới phát hiện lỗi rò nguồn trên nhánh S1 đi Singapore. Đồng thời, sự cố trên hai tuyến cáp biển APG và AAE-1.
Việc có đến 3/5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố đã gây ảnh hưởng lớn đến lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Đây không phải là lần đầu tiên các tuyến cáp quang biển kết nối Internet gặp sự cố. Hồi đầu năm 2023, cả 5 tuyến cáp quang đều gặp sự cố, làm mất kết nối khoảng 75% lưu lượng quốc tế. Sự cố trên được đánh giá là đợt đứt cáp quang biển nghiêm trọng nhất lịch sử.
Hiện tại vẫn chưa rõ lịch sửa chữa và thời điểm các tuyến cáp quang được khắc phục sự cố vẫn chưa được công bố.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/den-nam-2035-viet-nam-nam-trong-nhom-dan-dau-ve-cap-quang-quoc-te-152656.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.