Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em
15:50 | 01/06/2024
Ngày 1/6/2024, tại Nhà hát Sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế, Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức. Dự buổi lễ có ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” nhằm vận động xã hội thực hiện phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em", hỗ trợ mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp; mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có một hành động thiết thực vì trẻ em.
Phát biểu tại buổi lễ phát động, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tháng hành động vì trẻ em luôn là dịp để các cấp, ngành, gia đình, xã hội có những phong trào, hành động thiết thực, ý nghĩa, tạo được môi trường an toàn, cơ hội phát triển toàn diện cho các cháu. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng trăn trở, dù đã nỗ lực hết sức nhưng trong xã hội vẫn còn những trẻ em phải chịu đựng đau đớn về thể xác, tinh thần do bị bạo lực, hay bị xâm hại hoặc bị thương tích, đuối nước. Trên cả nước, vẫn còn hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh cần phải giúp đỡ, bị ảnh hưởng bởi nội dung độc hại trên môi trường mạng…
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ phát động |
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương phải quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự phát triển của trẻ em gắn với phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ông cũng đề nghị xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện để trẻ em phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ; bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương đến địa phương cần nghiên cứu xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển trẻ em mang tính tổng thể, toàn diện. Chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ em trước thông tin xấu, độc không phù hợp với lứa tuổi trên không gian mạng và xã hội.
Không để trẻ em làm công việc ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe, phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần, phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em. Đồng thời cần phát triển các sản phẩm văn hóa, văn học - nghệ thuật, giáo dục lành mạnh, phù hợp, có chất lượng dành cho trẻ em.
![]() |
Quang cảnh buổi lễ |
Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng và các đồng chính lãnh đạo cũng đã trao 30 xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhiều phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong dịp này, Phó Thủ tướng và các đồng chính lãnh đạo Đảng, nhà nước đã tham dự Lễ cất nóc Nhà đa chức năng Trường Tiểu học Vỹ Dạ và thăm, tặng quà cho trẻ em tại Làng Trẻ em SOS Huế.
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Lễ cất nóc nhà đa chức năng Trường Tiểu học Vỹ Dạ (TP. Huế) |
Đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024; một số đơn vị cũng xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Tổng công ty hàng không Việt Nam, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.
Tháng hành động vì trẻ em hằng năm cũng là dịp để các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động hè tại xã, phường; tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột.
Theo quy định tại Điều 11 Luật trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024: 1. Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em 2. Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 3. Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách đối với trẻ em 4. Bảo đảm quyền trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển đất nước 5. Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em 6. Tăng cường chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc 7. Tổng đài 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi 8. Phòng ngừa và chấm dứt lao động trẻ em vì sự phát triển bền vững 9. Chăm sóc sức khỏe tâm thần để trẻ em phát triển toàn diện 10. Phòng, chống tai nạn, thương tích để bảo đảm quyền được sống của trẻ em 11. Gia đình, cộng đồng giám sát, trông giữ trẻ em để phòng, chống đuối nước 12. Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. |
Hồng Sơn