Sáng 27/5: Tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng trong phiên đầu tuần
09:28 | 27/05/2024
Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, tính đến 9h sáng nay (27/5), tỷ giá trung tâm tăng tiếp 4 đồng so với phiên trước. Trong khi đó, giá bán USD được hầu hết các ngân hàng điều chỉnh lên mức 25.481 VND/USD.
NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 20-24/5 |
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.268 đồng, tăng 4 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400 - 25.450 VND/USD.
Trong khi đó, giá bán USD được hầu hết các ngân hàng điều chỉnh lên mức 25.481 VND/USD.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 25.230 VND/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 25.290 VND/USD (cao hơn 9 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán USD được hầu hết các ngân hàng niêm yết ở mức 25.481 VND/USD (cao hơn 4 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 104,693 điểm, giảm nhẹ -0,054 điểm so với thời điểm mở cửa.
Bạc xanh giảm nhẹ sáng đầu tuần và được cho là vẫn ổn định khi các nhà đầu tư tập trung vào các dữ liệu trong tuần này như lạm phát của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản để định hướng triển vọng lãi suất toàn cầu.
Giao dịch ngoại hối đã bị chi phối bởi hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất trong những tháng gần đây, "trừng phạt" các loại tiền tệ có lãi suất thấp và hỗ trợ bạc xanh trong khi dữ liệu của Mỹ được cho là "bất ổn" và làm giảm niềm tin của các nhà hoạch định chính sách về triển vọng lãi suất.
Sáng nay, euro tăng nhẹ lên 1,0851 USD sau khi tăng 0,9% so với bạc xanh vào tuần trước.
Hôm nay, các giao dịch ngoại tệ sẽ giảm bớt bởi các ngày nghỉ lễ ở thị trường Anh và Mỹ.
Trong khi đó, chỉ số lạm phát của Đức vào thứ Tư và Khu vực đồng Euro vào thứ Sáu sẽ được theo dõi để xác nhận khả năng cắt giảm lãi suất ở châu Âu.
Sáng nay, bảng Anh tăng nhẹ lên 1,2740 USD, gần mức cao nhất mà nó đã chạm trong năm nay.
Đô la Úc và New Zealand đã giảm giá so với mức cao gần đây trong tuần trước, nhưng sáng nay đã tăng trở lại, giao dịch lần lượt ở 0,6632, tăng 0,06% và 0,6129, tăng 0,15%, trong khi các thị trường quay trở lại kỳ vọng cắt giảm lãi suất đối với Mỹ.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi được công bố vào thứ Sáu, một thước đo lạm phát ưa thích của Fed dự kiến sẽ ổn định so với tháng trước, tuy nhiên nếu một bất ngờ nào đó xảy ra sẽ có thể tác động đến thị trường tiền tệ.
Bạc xanh đã giảm sau khi dữ liệu cho thấy tốc độ tăng giá tiêu dùng của Mỹ chậm lại trong tháng Tư và doanh số bán lẻ đáng thất vọng, trước khi mạnh lên vào tuần trước nhờ dữ liệu khảo sát PMI tốt hơn mong đợi.
“Sự tập trung vào chỉ số PCE lõi xoay quanh việc liệu các nguyên nhân gây lạm phát có phải là một phần của sự thay đổi tâm lý của người tiêu dùng hay không?”, Bob Savage, người đứng đầu chiến lược thị trường của BNY Mellon nêu vấn đề.
Trong khi tình trạng không chắc chắn về lãi suất vẫn tồn tại, các nhà đầu tư đã theo đuổi thu nhập và bán các loại tiền tệ có lãi suất thấp như yên Nhật, nhân dân tệ và franc Thụy Sĩ so với euro và bạc xanh.
Trong năm, franc Thụy Sĩ đã giảm liên tục và đứng ở mức 0,9928 EUR, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2023 vào tuần trước. Trong khi đó, nhân dân tệ của Trung Quốc kết thúc tuần trước ở mức 7,24 CNY/USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng Năm.
Yên Nhật có thể đạt mức tăng hàng tháng đầu tiên trong năm nhờ tác đông của việc thị trường nghi ngờ có sự can thiệp từ chính quyền Nhật Bản vào cuối tháng Tư và đầu tháng Năm, nhưng nó đã quay trở lại mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ kể từ đó.
Sáng nay, yên Nhật tăng 0,13% và giao dịch ở mức 156,79 JPY/USD nhưng nhận được rất ít sự hỗ trợ từ lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản ngày càng tăng, vì ở kỳ hạn 10 năm, chúng vẫn thấp hơn lợi suất của Mỹ gần 350 điểm cơ bản.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tokyo dự kiến công bố vào thứ Sáu là một chỉ dẫn đáng tin cậy về xu hướng quốc gia và sẽ được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ.
Bên cạnh đó, động thái của Mỹ nhằm rút ngắn thời gian thanh toán thị trường chứng khoán từ 2 ngày xuống còn 1 ngày (T+1) cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ trong giao dịch tiền tệ trong tuần này vì các nhà đầu tư kỳ vọng nó có thể đẩy giao dịch vào những buổi sáng sớm ở châu Á.
“Vẫn còn phải xem mỗi ngân hàng hoặc nhà cung cấp thanh khoản sẽ phản ứng như thế nào khi các thay đổi T+1 có hiệu lực và thực tế có nhu cầu thực hiện các giao dịch ngoại hối quy mô lớn trong các khung thời gian hiện không có loại giao dịch này”, trưởng bộ phận bán hàng tại BidFX, Scott Gold nói.
“Hiện tại, chỉ có khoảng 0,6% tổng khối lượng ngoại hối được thực hiện trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ chiều (giờ New York), vì vậy nó rất kém thanh khoản và chênh lệch giá rộng hơn đáng kể”, vị này nói thêm.
Trên thị trường tiền điện tử, ether đã kết thúc mức tăng hàng tuần lớn nhất trong gần ba năm sau khi bất ngờ được chấp thuận đối với một số ứng dụng quỹ giao dịch trao đổi (ETF) của Mỹ.
Các phê duyệt tiếp theo vẫn cần thiết trước khi ra mắt, nhưng giá của loại tiền điện tử lớn thứ hai tính theo giá trị thị trường đã tăng 25% so với bạc xanh vào tuần trước và cuối cùng đứng ở mức 3836 USD.
“Một tháng trước, nhiều người đã đánh giá khả năng xảy ra ETF của ETH là thấp hoặc xa trong tương lai”, Justin D'Anethan, người đứng đầu bộ phận quan hệ đối tác tại Keyrock nói.
P.L