Tăng cường phòng ngừa, giám sát về an toàn lao động

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, tổng chi phí cho tai nạn lao động (TNLĐ) và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770 ngày công. Đáng chú ý, những con số thống kê nêu trên mới chỉ tính riêng tại khu vực có quan hệ lao động. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại, đặc biệt ở khu vực phi chính thức.
Hội An: 141 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng Phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, Tháng Công nhân và Ngày Môi trường thế giới

Chấn chỉnh công tác an toàn lao động

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Theo đó, để kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Đặc biệt, tại các công trình, dự án trọng điểm, trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, tại các doanh nghiệp quản lý, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Chấn chỉnh công tác an toàn lao động tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước
Chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn lao động tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước

Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý rà soát kỹ các quy định, quy chuẩn, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt đối với các công trình, dự án trọng điểm, các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh con người. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tại địa bàn chủ động đầu tư, triển khai các biện pháp phòng ngừa, tăng cường tự kiểm tra giám sát về an toàn lao động.

Giải pháp nào để hạn chế tai nạn lao động?

Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, ảnh hưởng tới sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm lý bất ổn cho người lao động. Cụ thể, trong tháng 4 liên tiếp xảy ra một số vụ TNLĐ nghiêm trọng tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Ninh. Gần đây, vào ngày 1/5, tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai đã xảy ra một vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng khiến 6 người tử vong, 5 người bị thương nặng.

Theo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2023 có hơn 7.500 người bị TNLĐ, ước tính tổng thiệt hại về vật chất và tài sản do TNLĐ có thể lên tới hơn 17.000 tỷ đồng, tăng so với năm 2022.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động từng đưa ra nhận định: “TNLĐ vẫn đang tồn tại và là một vấn đề rất lớn của xã hội ta hiện nay. Vấn đề lớn nhất là chúng ta phải dự báo được các nguy cơ có thể xảy ra mất an toàn, có thể xảy ra bệnh nghề nghiệp có những tác động tới sức khỏe người lao động thế nào trong thời kỳ hiện nay”.

Một chuyên gia về an toàn lao động đánh giá, các vụ TNLĐ vừa xảy ra cho thấy lỗ hổng là các doanh nghiệp chưa có đầy đủ hệ thống quản lý và vệ sinh lao động. Vì không có nó nên doanh nghiệp chưa ban hành đầy đủ quy định, quy trình một cách nghiêm khắc về việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Trước diễn biến về liên quan đến các vụ an toàn lao động xảy ra thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc. Đây là một khái niệm đã xuất hiện nhiều tại các quốc gia trên thế giới, được hiểu là văn hóa phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, trong đó quyền của người lao động được tạo điều kiện về môi trường làm việc an toàn và vệ sinh. Văn hóa an toàn tại nơi làm việc là điều bắt buộc và được coi là nền tảng để người lao động yên tâm cống hiến, làm việc cũng như tạo sự ổn định cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp, tổ chức cần tìm hiểu, sớm ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại cho việc bảo vệ sức khỏe và an toàn của người lao động như AI (trí tuệ nhân tạo), sinh trắc học… đặc biệt trong các nhóm ngành nghề lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Điều này sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề và tạo ra những sự đổi thay tích cực trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tang-cuong-phong-ngua-giam-sat-ve-an-toan-lao-dong-151913.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.