Nằm trong khu vực Duyên hải miền Trung, Ninh Thuận được mệnh danh là “Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, bởi sự kết hợp độc đáo giữa cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và di sản văn hóa đa dạng, đặc trưng riêng... Nắm bắt những lợi thế này, thời gian gần đây địa phương đã và đang đẩy mạnh liên kết với các địa phương, liên kết vùng… để đánh thức tiềm năng, tạo động lực cho sự phát triển.
Với những lợi thế của mình, Ninh Thuận đã ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng điểm gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đây vừa là những ngành thế mạnh của Ninh Thuận, vừa là xu hướng phát triển chung của các địa phương khác trong cả nước khi đã và đang hướng tới mô hình kinh tế “xanh và sạch”…
![]() |
Cánh đồng điện gió ở huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. |
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2023 của Ninh Thuận đạt bình quân 8,6%/năm, cao hơn bình quân của cả nước; riêng năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,4%, xếp thứ 9/63 tỉnh/thành phố và 2/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Quý I/2024, GRDP của địa phương tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2023. Những con số khả quan này, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng lớn của địa phương trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Trong sự phát triển đi lên của Ninh Thuận, kinh tế biển và du lịch tiếp tục phát huy lợi thế, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược. Năm 2023, kinh tế biển đóng góp 41,85% GRDP của địa phương; Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, tăng tính kết nối… góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển của địa phươn cũng như ở khu vực.
![]() |
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển của Ninh Thuận. |
Đặc biệt, theo ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua Ninh Thuận đã đẩy mạnh liên kết vùng. Đến nay, Ninh Thuận và các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển với Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Phú Yên trên các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản, giáo dục, y tế, văn hóa...Ngoài ra, các địa phương trong vùng cũng đã tích cực tham gia, phối hợp trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình công tác của vùng, thiết lập hệ thống thông tin vùng, tổ chức nhiều hội thảo khoa học về liên kết phát triển vùng…
![]() |
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2023 của Ninh Thuận đạt 8,6%/năm, cao hơn bình quân của cả nước. |
Ninh Thuận và hai địa phương lân cận là Khánh Hòa và Phú Yên cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên 7 ngành, lĩnh vực giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy hiệu quả liên kết vùng. Các lĩnh vực hợp tác giữa 3 địa phương gồm: Công nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; du lịch, văn hóa; giao thông vận tải; y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, việc làm; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; an ninh - quốc phòng.
Việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 3 tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên - Ninh Thuận sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các địa phương trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, là cầu nối để cộng đồng doanh nghiệp các địa phương cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm, mở rộng thị trường sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ…
![]() |
Cánh đồng muối ở huyện NInh Hải, Nnh Thuận - một trong những cánh đồng muối lớn nhất miền Trung.. |
Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu thu hút khách du lịch, Ninh Thuận đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các hãng hàng không và nhiều tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, các tỉnh Tây Nguyên để xây dựng chương trình, tour, tuyến du lịch hấp dẫn…
Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Văn Hậu, việc triển khai các chương trình liên kết, hợp tác phát triển vùng vẫn còn hạn chế, nhất là liên kết trong thu hút đầu tư kết nối hạ tầng liên vùng, liên kết xây dựng thương hiệu quốc gia phát triển du lịch; nguồn nhân lực; cơ chế điều phối trong liên kết giữa các địa phương mới được thực hiện bước đầu…
![]() |
Thúc đẩy liên kết vùng “chìa khoá” để Ninh Thuận phát triển. |
Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 là văn bản pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để các tỉnh trong vùng triển khai bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, ổn định nhất là trong phát triển các công trình kết cấu hạ tầng liên vùng… Từ những định hướng của quy hoạch vùng được duyệt, trong thời gian tới Ninh Thuận nói riêng và các địa phương trong vùng sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh liên kết vùng, Ninh Thuận cũng đề xuất, Chính phủ sớm ban hành và hướng dẫn chi tiết bộ tiêu chí hoặc hướng dẫn lựa chọn các dự án mang tính chất liên vùng; thành lập cơ quan thực hiện chức năng điều phối cho cả vùng. Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm xem xét tổng hợp dự án động lực hạ tầng giao thông cơ bản kết nối từ Cảng biển Cà Ná, cao tốc Bắc Nam lên khu vực Nam Tây Nguyên, vào danh mục dự án phát triển liên kết vùng để được hưởng ưu đãi từ cơ chế, chính sách đầu tư chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/lien-ket-vung-chia-khoa-de-ninh-thuan-phat-trien-151861.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.