Quốc hội dự kiến bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội vào ngày 20/5
11:21 | 19/05/2024
Trả lời báo chí tại Họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV liên quan đến quy trình kiện toàn nhân sự cấp cao sáng nay (19/5), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội khoá XV sẽ bắt đầu tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội vào ngày mai (20/5).
Trung ương giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội |
![]() |
Trung ương giới thiệu Đại tướng Tô Lâm và ông Trần Thanh Mẫn để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội |
Theo ông Bùi Văn Cường, một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là cử, giới thiệu cán bộ ứng cử, bầu cử, quyết định bổ nhiệm vào vị trí cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội. Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 7, cuối giờ sáng mai (20/5), Quốc hội khoá XV sẽ bắt đầu tiến hành quy trình và đến sáng 21/5 sẽ hoàn thành công tác nhân sự.
Theo đó, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội trước, sau đó bầu Chủ tịch nước. Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, cấp có thẩm quyền chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Công an nên trong chương trình nghị sự, Quốc hội chưa có nội dung phê duyệt. Theo quy định, sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức. Nội dung này sẽ được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Thông tin thêm tại cuộc họp báo, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tương tự với vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội sau khi ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét giới thiệu thì Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn theo quy định.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII thống nhất rất cao giới thiệu: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
Bên cạnh kiện toàn nhân sự cấp cao, tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 10 dự án luật, trong đó đáng chú ý là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản…
Trong 11 dự án Luật cho ý kiến lần đầu, đáng chú ý như Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn...
Tại Kỳ họp này Quốc hội cũng quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước);…. và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thời điểm thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách đi sau cải cách tiền lương (trong khi cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 01/7/2024), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho biết, Ủy ban Xã hội đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, trình Quốc hội phương án tối ưu nhất, bảo đảm quyền lợi cho người lao động
“Đến ngày 1 tháng 7 năm 2024 mức lương cơ sở theo Nghị quyết 28 sẽ bị bãi bỏ và thay bằng mức điều chỉnh mới gọi là mức tham chiếu. Hiện nay các cơ quan Chính phủ đang tính toán các phương án phù hợp để không thấp hơn mức mà chúng ta đang áp dụng mức lương cơ sở. Vì đây là vấn đề tác động rất rộng rãi, không chỉ tới người lao động mà cả những người nghỉ hưu. Do vậy, việc tính mức tham chiếu cùng với hệ số nhân với cụ thể như thế nào tại thời điểm cải cách tiền lương cũng như áp dụng cho các năm tiếp theo cần đòi hỏi tính toán rất chặt chẽ khoa học”, ông Đoan cho hay.
Liên quan đến đề xuất của Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết đang tiến hành thẩm tra để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày mai (20/5), dự kiến bế mạc vào ngày 28/6. Kỳ họp thứ 7 được tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 26 ngày rưỡi.
Trần Hương