Open Banking - Tương lai để mở rộng hệ sinh thái số ngành Ngân hàng Phát triển hệ sinh thái số gia tăng sức hút khách hàng |
Trong những năm qua, ngành Ngân hàng không ngừng nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi số khi đầu tư mạnh mẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất với chi phí hợp lý, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sớm về đích các mục tiêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810/QĐ-NHNN).
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Anh Tuấn để có được thông tin đầy đủ, chính xác về thành tựu này cũng như định hướng chính sách của NHNN trong thời gian tới để ngân hàng tiếp tục khẳng định là một trong những ngành đi đầu về chuyển đổi số.
Xin ông cho biết những thành tựu chuyển đổi số của ngành Ngân hàng từ khi triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN về Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030? Những kết quả trên có đạt được như mục tiêu Kế hoạch đặt ra không, thưa ông?
![]() |
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN |
Ngân hàng được xác định là một trong những ngành, lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau 3 năm triển khai, hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Về khuôn khổ pháp lý, NHNN tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngân hàng như: xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) 2024; đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an... trong xây dựng Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước,...; trình Chính phủ Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và tham gia ý kiến xây dựng Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định về Định danh và xác thực điện tử...; ban hành và hướng dẫn triển khai các quy định về mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, bảo lãnh, nhận tiền gửi, cho vay... bằng phương tiện điện tử; ban hành quy định các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; ban hành Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030 góp phần định hướng phát triển thanh toán số tại Việt Nam.
Về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, ngành Ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, bình quân xử lý giao dịch thanh toán nội tệ hơn 830 nghìn tỷ đồng/ngày. Hệ thống chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử có khả năng xử lý giao dịch thanh toán tức thời, vận hành liên tục 24 giờ x 7 ngày trong suốt năm, bình quân xử lý từ 20-25 triệu giao dịch/ngày. Đến nay, toàn thị trường có hơn 21.000 ATM và 561.000 POS; mạng lưới chấp nhận thanh toán (POS/QR Code) phủ đến hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Hiện nay, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua QR Code với Thái Lan, Campuchia (đang tiếp tục triển khai với Lào), cho phép khách hàng thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ tại nước ngoài thông qua mã QR ngay trên ứng dụng di động (Mobile app) của ngân hàng Việt Nam và ngược lại.
Hạ tầng thông tin tín dụng (TTTD) quốc gia nâng cấp để gia tăng khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động, đồng thời mở rộng thu thập và cập nhật dữ liệu trong và ngoài Ngành với tỉ lệ cập nhật số liệu thành công từ TCTD đạt mức cao trên 97%, độ bao phủ TTTD trên tổng dân số trưởng thành luôn được cải thiện, nâng tổng số khách hàng trong cơ sở dữ liệu TTTD lên gần 55 triệu khách hàng. Các TCTD, trung gian thanh toán đã chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ đáp ứng yêu cầu, sẵn sàng triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong toàn đơn vị.
Về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ngày càng thân thiện, giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...). Nhiều TCTD tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Các TCTD tập trung chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh truyền thống cùng với việc có thêm nhiều kênh tương tác đã đem lại các sản phẩm dịch vụ mới, tiện ích và hoàn toàn khác biệt so với trước đây như: phát triển tính năng nộp/rút tiền trên máy giao dịch tự động; nộp/rút tiền mặt bằng căn cước công dân gắn chip; giải ngân trực tuyến dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thanh toán quốc tế trực tuyến ngay tại đầu khách hàng; mở thẻ tín dụng qua tương tác giao dịch với Rô-bốt, thanh toán chạm bằng điện thoại thông minh (Tap to pay), thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán bằng giọng nói, khuôn mặt,...
Đến nay, có hơn 80% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động.
![]() |
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được chú trọng. NHNN cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan triển khai các biện pháp trong đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính thông qua nhiều hoạt động, phương thức tiếp cận đa dạng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu lợi dụng dịch vụ thanh toán cho hoạt động bất hợp pháp, giúp người dân, doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng, lợi ích của thanh toán số.
Ngân hàng là một trong những ngành tiên phong trong triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia. Ông có thể chia sẻ những giải pháp đã được ngành Ngân hàng thực hiện để khai thác hiệu quả dữ liệu này trong thời gian qua và những kết quả đạt được?
Phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số là một trong 9 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, NHNN đã chủ động, tích cực triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia phục vụ chuyển đổi số ngân hàng một cách thực chất.
NHNN là bộ, ngành đầu tiên ký kết Kế hoạch phối hợp với Bộ Công an triển khai nhiệm vụ tại Đề án 06 (Kế hoạch số 01/KHPH-NHNN-BCA) với 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch, xác minh, xác thực thông tin khách hàng và ứng dụng vào các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Triển khai Kế hoạch 01, định kỳ hàng tháng, các đơn vị NHNN đã phối hợp với các đơn vị Bộ Công an (C06) tổ chức cuộc họp triển khai với các TCTD để cập nhật tiến độ, hướng dẫn, giải đáp ý kiến của các đơn vị và đôn đốc triển khai các nhiệm vụ đã được phân công. Đến nay, việc triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư đã đạt được những kết quả tích cực. NHNN đã hoàn thành đối chiếu dữ liệu của 49 triệu hồ sơ TTTD của khách hàng. NHNN tiếp tục phối hợp với C06 ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
NHNN chỉ đạo các TCTD ứng dụng dữ liệu về dân cư làm sạch dữ liệu, nhận biết, xác minh khách hàng. Đến nay, đã có 23 TCTD ký kết với C06 để thực hiện làm sạch dữ liệu offline; 58 TCTD phối hợp C06 triển khai ứng dụng căn cước công dân chip tại quầy và 48 TCTD phối hợp C06 triển khai ứng dụng căn cước công dân chip trên ứng dụng Mobile; 14 TCTD phối hợp C06 triển khai ứng dụng tài khoản định danh điện tử (VneID); 07 TCTD đã và đang triển khai dịch vụ chấm điểm tín dụng, nhiều TCTD được C06 tổ chức các lớp đào tạo, phổ biến kiến thức về các dấu hiệu, cách thức nhận biết căn cước công dân thật, giả…
Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam phát triển hệ sinh thái số, thanh toán số ra sao để tiếp tục khẳng định được vị thế dẫn đầu tiếp cận với các xu thế kinh doanh hiện đại của thế giới?
Với quan điểm khách hàng là trung tâm của chuyển đổi số, thời gian qua, các ngân hàng đã kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng, phát triển hệ sinh thái số, mang lại trải nghiệm, gia tăng tiện ích cho người dùng. Ngân hàng mở đã thay đổi hệ sinh thái tài chính với 02 xu hướng chính.
Một là, tích hợp dịch vụ bên thứ ba trên kênh của ngân hàng (Banking as a Platform – BaaP), gia tăng tiện ích trên ứng dụng của ngân hàng với các dịch vụ vé máy bay, đặt taxi, mua sắm từ dịch vụ của các bên thứ ba.
Hai là, tích hợp dịch vụ ngân hàng trên kênh của bên thứ ba (Banking as a Service – BaaS), theo đó khách hàng có thể sử dụng phần mềm, ứng dụng do bên thứ ba cung cấp để thanh toán, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đề nghị cấp tín dụng. Như vậy, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ khác trên nền tảng số của ngân hàng. Hoặc ngược lại, khách hàng cũng có thể sử dụng dịch vụ của ngân hàng từ các nền tảng số thuộc ngành, lĩnh vực khác. Dịch vụ ngân hàng sẽ không chỉ được thực hiện tại các kênh thuộc sở hữu của ngân hàng như quầy giao dịch, kênh ngân hàng điện tử mà còn được “nhúng”, “tích hợp” vào các ứng dụng, phần mềm, nền tảng số mới trong các lĩnh vực của nền kinh tế.
Hiện nay, rất nhiều ngân hàng đã chủ động chuyển dịch mô hình kinh doanh từ truyền thống sang xu hướng giao tiếp với khách hàng bằng các cửa sổ trực tuyến, xóa bỏ ngăn cách không gian, thời gian và bối cảnh vật lý. Chiến lược của các ngân hàng hiện nay là mở rộng những kênh mới để phục vụ khách hàng thông qua việc kết hợp với các đối tác, các công ty Fintech, các bên thứ ba trong các ngành nghề khác nhau.
Ứng dụng Mobile Banking, Ví điện tử của nhiều TCTD, tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) hiện đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng, thanh toán như vấn tin, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, gửi tiết kiệm, vay tín chấp, mở/khóa/đóng thẻ/tài khoản, thiết lập hạn mức…, các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch trên các nền tảng số mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động thông minh của cá nhân. Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua phương thức QR Code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong một thế giới phẳng, nhất là nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái, hướng tới ngân hàng mở mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số không còn là sự lựa chọn mà là xu hướng tất yếu. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch, chính sách của NHNN về quản lý, thúc đẩy hoạt động ngân hàng mở trong thời gian tới?
Với quan điểm trải nghiệm khách hàng là thước đo chuyển đổi số, Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, thúc đẩy hoạt động ngân hàng mở.
Về phía các TCTD, kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ: đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hướng đến các mô hình kinh doanh mới như ngân hàng mở để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn, tiện lợi với chi phí thấp; đồng thời, kế hoạch đã giao nhiệm vụ cho Vụ, Cục NHNN nghiên cứu, xây dựng Quy định về thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng với bên thứ ba, hướng tới việc phát triển ngân hàng mở (Open banking), đa dạng hệ sinh thái ngân hàng. Triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, hiện nay, NHNN đang rà soát, bổ sung quy định pháp lý dự thảo quy định việc quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ hoạt động TTKDTM và nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng, dự kiến sẽ ban hành tháng 7/2024.
Có thể khẳng định quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam đang diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Song trong hành trình này, bên cạnh những cơ hội, ngành Ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau. Ở góc độ cơ quan quản lý, NHNN sẽ có những giải pháp gì để các ngân hàng tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục khẳng định là một trong những ngành đi đầu về chuyển đổi số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho người dân một cách thuận lợi, an toàn, hiệu quả?
Chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng cũng còn nhiều thách thức phải đối mặt, nhất là về xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường, đòi hỏi sự đồng bộ về pháp lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành, lĩnh vực để thuận tiện nhất cho việc kết nối, tích hợp giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.
Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, NHNN sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, trước mắt là Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, các Thông tư hướng dẫn Luật Các TCTD...
Thứ hai, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng và tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) để phục vụ làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng và các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Thứ tư, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng cùng với việc cảnh báo sớm, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, phòng, chống rủi ro gian lận và công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin khách hàng.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết, phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong khu vực và trên thế giới về hoạt động chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để xem xét áp dụng phù hợp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/mo-rong-ket-noi-va-phat-trien-he-sinh-thai-so-151434.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.