Chấn chỉnh tổ chức hội thảo trong hoạt động kinh doanh đa cấp
19:04 | 26/04/2024
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị, đề xuất Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý nhà nước về hội nghị, hội thảo, đào tạo theo hình thức trực tuyến để phù hợp với thực tiễn trong hoạt động kinh doanh đa cấp.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2023 trên địa bàn thành phố có 20 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động; doanh thu bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố năm 2023 giảm còn 2.467 tỷ đồng (năm 2022 là 3.010 tỷ đồng), số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tại thành phố giảm còn 85.670 người (năm 2022 là 97.794 người).
![]() |
Một khoá học về đào tạo về pháp luật trong hoạt động kinh doanh đa cấp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức |
Lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ- CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, đối với thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo tổ chức theo hình thức trực tuyến và có sự tham gia của người bán hàng đa cấp tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đến Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính. Hiện nay có 16/20 doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn thành phố nên số lượng hồ sơ thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo tăng đột biến, từ 330 hồ sơ năm 2022 lên 910 hồ sơ năm 2023 và số buổi hội nghị, hội thảo, đào tạo tăng từ 854 năm 2022 lên 2.236 năm 2023, dẫn đến một số khó khăn trong quản lý nhà nước về hội nghị, hội thảo, đào tạo.
Trong thời gian qua, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến các hội nghị, hội thảo, đào tạo (chủ yếu là theo hình thức trực tuyến) do doanh nghiệp ủy quyền cho người tham gia tổ chức. Theo các đơn phản ánh, kiến nghị gần đây, hầu hết người tham gia được doanh nghiệp ủy quyền tổ chức không hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều hội nghị, hội thảo do doanh nghiệp ủy quyền cho người tham gia tổ chức chưa được doanh nghiệp giám sát chặt chẽ về nội dung. Bên cạnh đó, có một số trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo do người tham gia tự tổ chức (chủ yếu là theo hình thức trực tuyến) mà không có sự ủy quyền từ doanh nghiệp.
Thậm chí, một số doanh nghiệp khi xây dựng nội dung về hồ sơ thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo chưa tuân thủ quy định của pháp luật (nhất là nội dung liên quan đến quy định tại khoản 30, 31 Điều 1 Nghị định số 18/2023/NĐ-CP), Sở Công Thương phải từ chối hồ sơ nhiều lần, dẫn đến tốn kém thời gian trong việc thực hiện thủ tục hành chính này.
Ngọc Hậu