Hội nghị tập huấn truyền thông về công tác hội nhập, ASEAN và UNESCO
20:46 | 25/04/2024
Ngày 25/4, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tập huấn truyền thông về công tác hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024. Phát biểu tại hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết mục đích của hội nghị tập huấn nhằm cung cấp thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các báo, trong đó, nổi bật là sự tham gia, đóng góp và hội nhập của Việt Nam.
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng tham dự Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN Hội nghị Thống đốc NHTW ASEAN và Bộ trưởng Tài chính ASEAN Thiên thời cho nền kinh tế số ASEAN |
Tại hội nghị, ông Vũ Duy Thành, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách đối ngoại - Bộ Ngoại giao đã chia sẻ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng như tình hình thế giới và khu vực và những tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Vũ Duy Thành cho biết, đường lối đối ngoại của Việt Nam đã được nêu rất rõ trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII, Nghị quyết 34-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như trong phát biểu kết luận quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 và Hội nghị Ngoại giao 32 năm 2023. Đại hội XIII nêu “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa”. Đặc biệt, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc."
![]() |
Quang cảnh Hội nghị |
Lãnh đạo Vụ Chính sách đối ngoại - Bộ Ngoại giao nhận định: Cục diện của thế giới hiện nay có tác động lớn đến an ninh và phát triển của các quốc gia, đặc biệt là những nước vừa và nhỏ, các nước có vị trí địa lý chiến lược nhạy cảm và là nơi thường xuyên xảy ra cạnh tranh chiến lược như khu vực Đông Nam Á - ASEAN.
Các đại biểu đều tin rằng việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN không hề dễ dàng. Các thách thức như cạnh tranh nước lớn, sự ra đời của các cơ chế đa phương mới, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng như khó khăn nội tại đòi hỏi ASEAN phải củng cố đoàn kết, thống nhất và có những chiến lược linh hoạt và hiệu quả hơn nữa. Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên cần tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN là biện pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay và nỗ lực cùng các nước thành viên hiện thực hóa ASEAN trở thành tâm điểm, động lực của hòa bình, hợp tác và phát triển thông tin.
Theo ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Tầm nhìn ASEAN 2035 sẽ lấy tri thức là động lực, chuyển đổi số tạo thêm giá trị, trao quyền và cải thiện đời sống cho người dân “mạnh mẽ”, “tự cường” và “năng động”. Nhiệm vụ đặt ra cho các nước là tôn trọng và đảm bảo tính toàn vẹn về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; Nuôi dưỡng bản sắc ASEAN và thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các nền tảng xuyên biên giới; Xác định vai trò, sứ mệnh mới, mở ra không gian mới cho lĩnh vực thông tin truyền thông trong ASEAN: “Từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng”.
Cũng tại Hội nghị, các thông tin về hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam năm 2024; các hoạt động trọng tâm của UNESCO trong lĩnh vực thông tin giai đoạn 2024-2025; Trọng tâm công tác đối ngoại của UBQG UNESCO Việt Nam trong năm 2024 và các hoạt động ưu tiên của các Tiểu ban, Tiểu ban chuyên môn của Ủy ban Quốc gia; Bảo tồn Khu dữ trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng được các đại biểu nêu ra tại phần tham luận của mình.
Hồng Sơn