Livestream bán hàng - xu hướng mới chinh phục thị trường

Xu hướng hiện nay của người tiêu dùng là shoppertainment, đang thịnh hành ở nhiều nơi trên thế giới, tức là vừa mua hàng (shopping), vừa giải trí (entertainment). Vì thế, doanh nghiệp và người bán hàng Việt cần phải có sự thay đổi để bắt kịp các công nghệ bán hàng mới. Điều này rất cần thiết khi muốn tham gia các thị trường lớn.

Streamer ViruSs Đặng Tiến Hoàng, người khá thành công trong việc bán hàng online cho biết, để làm livestream bán hàng, các doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 40-50 triệu đồng cho tất cả các thiết bị, rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng vật lý. Trong khi đó, khả năng tiếp cận khách hàng của livestream bán hàng vượt trội so với tất cả các phương thức bán hàng truyền thống (các báo cáo cho thấy trang livestream TikTok thấp nhất cũng tiếp cận được đến hơn 250 người). “Doanh nghiệp cũng không cần phải thuê người nổi tiếng, quá đắt đỏ mà không thực sự hiệu quả. Chính doanh nghiệp, chính nhân viên doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự livestream bán hàng, đó là cách marketing 0 đồng nhưng hiệu quả nhất hiện nay vì họ mới là người hiểu rõ sản phẩm của mình nhất. Như vậy mới thuyết phục được người mua”, anh Hoàng nói.

Livestream bán hàng - xu hướng mới chinh phục thị trường

Ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết, việc gặp gỡ với các doanh nhân ở các quốc gia thông qua các hội chợ thương mại mới chỉ là cơ hội tiếp cận thị trường. Muốn thành công, các doanh nghiệp còn cần phải có kỹ năng, khả năng tiếp cận, giao lưu với đối tác và nhất là phải chuẩn hóa sản phẩm của mình để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, Hội sẽ tập trung tiến hành các giải pháp để giúp doanh nghiệp nâng cao sự am hiểu về tiêu chuẩn và thực hành sản xuất để có thể chinh phục thị trường thế giới.

“Ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều cách để doanh nghiệp có thể kết nối trực tiếp tới các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, ví dụ như mở gian hàng trên các mạng xã hội như Alibaba hay TikTok shop, hoặc các trang thương mại điện tử của Trung Quốc. Doanh nghiệp có thể đăng ký rất dễ dàng để giới thiệu hàng hóa của mình, qua đó có thể bán hàng và giao lưu trực tiếp với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vấn đề giao nhận hiện nay cũng rất thuận lợi. Theo đó, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao sẽ có các hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối vào những kênh bán hàng này cũng như những kỹ năng để có thể bán hàng hiệu quả trên các kênh này”, ông Viên nói.

Là doanh nghiệp có sự “chuyển mình” mạnh mẽ khi thâm nhập phương thức bán hàng mới, ông Trần Lệ Nguyên, CEO Tập đoàn Kido cho biết, trước đây tập đoàn chỉ bán trên kênh truyền thống, nhưng ngày nay đã bắt đầu tập trung bán hàng livestream và lượng hàng bán trực tuyến đang tăng đáng kể, đặc biệt là giảm bớt được những chi phí trung gian cũng như các chi phí logistics, marketing, sale… Đặc biệt, các trang bán hàng điện tử vẫn thường tung ra rất nhiều voucher, tất cả đều có lợi cho người tiêu dùng. Tất cả những điều đó thu hút người tiêu dùng mua sắm qua kênh này. “Trong những năm gần đây, chúng tôi đã chuyển mạnh sang kinh doanh trực tuyến và hiện tại, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm gần 70%. Trên nền tảng Shopee, doanh nghiệp của tôi đang đứng trong top 3”, ông Nguyên khẳng định.

Góp ý thêm cho doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường Ấn Độ, bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Retail & Franchise Asia (Công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và nhượng quyền) đã chỉ ra rằng, doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để vượt qua một số rào cản như phân biệt đẳng cấp, giai cấp xã hội vẫn còn rất lớn ở đây. Ngoài ra, doanh nghiệp phải nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, thói quen tối ưu hóa và tái sử dụng sản phẩm như việc tận dụng vỏ chai, vỏ hộp sau khi sử dụng sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng thậm chí mua sản phẩm vì sự tiện dụng của bao bì chứ không hẳn là để sử dụng sản phẩm. “Cho nên ngoài chất lượng, các doanh nghiệp cần phải chăm chút đến bao bì bên ngoài sản phẩm khi tiếp cận thị trường này”, bà Vân nói.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, câu chuyện về phát triển các kênh trực tuyến để tiếp cận khách hàng đã mang lại hiệu quả tích cực, thấy rõ. Các kênh bán hàng trực tuyến cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hoá vận hành trong sản xuất, trong vận hành chuỗi cung ứng, hệ thống bán lẻ... Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn tạo nên những giá trị mới cho khách hàng, từ giao tiếp, tương tác, mua bán, trải nghiệm…

“Hiện nay, dù tình hình kinh tế thế giớ đang có những bất lợi, nhưng những kênh thương mại điện tử vẫn tăng trưởng hàng năm 20-30%. Đây là một xu hướng, xu thế không thể đảo ngược để tiếp cận người tiêu dùng, bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để bắt kịp nếu không muốn bị tụt hậu”, ông Nguyên nói.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/livestream-ban-hang-xu-huong-moi-chinh-phuc-thi-truong-150305.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.