Nỗ lực tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu
20:25 | 26/03/2024
Chúng tôi cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp lĩnh vực điện tử, bán dẫn đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh tại Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 (VGMF2024), ngày 26/3.
![]() |
Diễn đàn do CTCP Đầu tư Bất động sản công nghiệp và cho thuê A+ tổ chức, với sự hợp tác của Công ty Tư vấn DH Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc Tế (ISC) và Công ty Sunrise Big Data.
Diễn đàn có quy mô rất lớn, với hơn 600 khách tham dự và diễn giả đến từ đại diện các bộ ngành, ban quản lý khu kinh tế/khu công nghiệp các tỉnh; các đơn vị tư vấn xúc tiến đầu tư. Trong đó có hơn 300 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử, sản xuất đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc… và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn, thiết bị của Việt Nam.
![]() |
Đánh giá cao CTCP Đầu tư Bất Động Sản Công nghiệp và cho thuê A+ đã phối hợp với các đơn vị để tổ chức Diễn đàn này, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng đây là một chủ đề rất quan trọng, được các cơ quan và doanh nghiệp rất quan tâm tại thời điểm hiện nay.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Theo đó ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nghiên cứu và phát triển...
Trong đó, lĩnh vực sản xuất điện tử, chíp bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và đang được Chính phủ, các bộ ngành rất quan tâm. Chính phủ đã giao các bộ ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam.
Cụ thể như, giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương triển khai Đề án này và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn. Hiện Bộ KHĐT đang khẩn trương dự thảo Nghị định này và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời sắp tới.
Đặc biệt, các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư tại các địa phương đã được đảm bảo sẵn sàng. Về hạ tầng đất đai, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp điện tử, bán dẫn. Cùng với đó, hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường. Ngoài ra, các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn.
Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là rất đúng đắn, kịp thời để chúng ta có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành điện tử, bán dẫn toàn cầu.
Sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt vì các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng và quy mô của ngành này là rất lớn. Nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới này.
Chính phủ và Thủ tướng đang rất quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận được làn sóng đầu tư này. Trước hết, chúng ta phải có lộ trình chiến lược, hướng đi bài bản, căn cơ. Thứ hai, nhanh chóng triển khai để đáp ứng được ngay nhu cầu về nguồn nhân lực. Thứ ba, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.
“Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp lĩnh vực điện tử, bán dẫn đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
TS. Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng, việc tổ chức VGMF2024 có ý nghĩa rất lớn nhằm thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế đến đầu tư; kết nối và thúc đẩy Việt Nam vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ đổi mới và quản lý hiệu quả để nâng cao sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng tại Việt Nam; xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, tìm kiếm cơ hội phát triển chung và cùng có lợi...
“Chúng tôi tin tưởng, Diễn đàn sẽ đóng góp tích cực, tìm ra nhiều giải pháp hữu hiệu để thu hút đầu tư quốc tế và chuyển giao công nghệ, tạo ra những đột phá cho các doanh nghiệp Việt và thị trường Việt Nam tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam, đồng thời góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, Chủ tịch VFCA kỳ vọng.Lê Đỗ