Công ty chứng khoán đầu tư lớn vào trái phiếu Công ty chứng khoán chạy đua cho vay margin lãi suất thấp |
Thay đổi diện mạo
Điển hình như CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS), dòng vốn lớn từ ngân hàng “mẹ” TPBank là động lực quan trọng cho sự vươn lên mạnh mẽ của công ty chứng khoán này trong những năm qua. Công ty đã tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, đầu tư nhân sự, hệ thống, hướng đến nền tảng công nghệ là thế mạnh mũi nhọn. Các mảng nghiệp vụ cơ bản của một công ty chứng khoán đều hồi sinh, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, qua đó đa dạng nguồn thu và tăng trưởng mạnh mẽ.
![]() |
Chứng khoán được dự báo sẽ còn tiếp tục khởi sắc với những kỳ vọng mới về đà tăng trưởng của VN-Index |
Kết thúc năm 2023, doanh thu hoạt động của TPS đạt gần 2.822 tỷ đồng, tăng hơn 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của TPS gồm: Cổ tức, tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính FVTPL 692,3 tỷ đồng (tăng gấp hơn 94,3 lần), lãi từ các khoản cho vay và phải thu 110,7 tỷ đồng (tăng gấp 3,7 lần) và đặc biệt là doanh thu nghiệp vụ lưu ký chứng khoán 1.034 tỷ đồng (tăng gấp 6,7 lần). Khấu trừ các chi phí và thuế, lãi trước thuế công ty đạt 230 tỷ đồng, tăng mạnh 61% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, công ty đã vượt hơn 23% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Một trường hợp khác, Chứng khoán Globalmind Capital với chủ mới là các cổ đông có liên quan đến Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Globalmind Capital sau đó cũng đổi tên với thương hiệu nhận diện thành Chứng khoán KAFI. Trước khi có sự góp mặt của các cổ đông mới, bức tranh tài chính tại Chứng khoán KAFI rất ảm đạm khi công ty có số năm kinh doanh lỗ nhiều hơn lãi. Trong quý III/2021, công ty vẫn đang lỗ luỹ kế 27,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên sang năm 2022, sau khi có biến động cổ đông lớn, KAFI báo doanh thu 116 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm trước đó, nhưng lãi sau thuế 19,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 20,1 tỷ đồng của năm 2021. Nhưng năm 2023, doanh thu hoạt động KAFI gây ấn tượng khi đạt hơn 484,6 tỷ đồng, gấp gần 4,2 lần so với năm trước. Trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng công ty đạt hơn 128 tỷ đồng, tăng gấp hơn 6,4 lần.
Với Công ty Chứng khoán Đại Nam, sau khi được CTCP Công nghệ Tài chính Encapital (do cựu CEO VNDIRECT Nguyễn Hoàng Giang đồng sáng lập và hiện đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc) mua lại và đổi tên thành Công ty Chứng khoán DNSE cũng đem đến diện mạo hoàn toàn mới. Dữ liệu cho thấy CTCP Capella Group - một pháp nhân liên quan đến Ngân hàng TMCP Việt Á, góp 40% vốn tại Encapital.
Theo đó, nguồn vốn dồi dào đã giúp DNSE vươn tầm trong lĩnh vực chứng khoán. Năm 2022, công ty này lần đầu lọt vào top 10 thị phần môi giới trên HNX. Xét cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt gần 229 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2022. Ngoài ra, DNSE tính đến hết năm 2023 sở hữu 560.000 tài khoản, bình quân mỗi ngày có 1.500 tài khoản mở mới, chiếm 26,5% thị phần mở mới trên toàn thị trường. Hiện công ty chứng khoán mô hình fintech này quản lý khoảng 1,4 tỷ cổ phiếu, tăng gấp 50% so với năm 2022.
Nhưng vẫn còn những “cá biệt”
Tuy vậy, không phải công ty chứng khoán nào cũng báo lãi sau quá trình đổi chủ. Điển hình là CTCP Chứng khoán Vina, với cổ đông chi phối là start-up Finhay. Thương vụ M&A của Finhay được thực vào tháng 12/2021. Trong kỳ báo cáo tài chính quý IV/2023, lãi ròng của Chứng khoán Vina đạt gần 1,3 tỷ đồng, giảm mạnh 79% so với quý IV/2022. Tính cả năm 2023, lãi ròng công ty là gần 2,7 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 6,7%. Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2023, lợi nhuận chưa phân phối của Chứng khoán Vina ghi nhận âm hơn 259,3 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Chứng khoán CV - công ty liên kết do ví điện tử Momo nắm 49%, cũng báo lỗ 4,6 tỷ đồng trong quý IV/2023 và hơn 4,6 tỷ đồng năm 2023. Tại ngày 31/12/2023, Chứng khoán CV phải “gánh” khoản lỗ chưa phân phối hơn 94 tỷ đồng.
Trên thực tế, hoạt động môi giới và cho vay của các công ty chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào thanh khoản và giai đoạn thị trường sôi động nhất trong khoảng một năm rưỡi trở lại đây. Lượng tài khoản mở mới cũng như giá trị khớp lệnh trên HoSE tương đối ổn định.
Theo đó, trong năm 2024, tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán được dự báo sẽ còn tiếp tục khởi sắc với những kỳ vọng mới về đà tăng trưởng của VN-Index cũng như những sự thay đổi trong hạ tầng giao dịch và cấu trúc của thị trường (hệ thống KRX, triển vọng nâng hạng…). Với những thông tin tốt như vậy, việc kinh doanh trở nên thuận lợi là một thực tế trong tầm kiểm soát của các công ty chứng khoán. Phần còn lại thuộc về sự vận động của từng đơn vị khi nhanh tay nắm bắt được cơ hội trước các “đối thủ” hay không.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cong-ty-chung-khoan-ra-sao-khi-ve-tay-chu-moi-149478.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.