Thắt chặt định lượng ít tác động đến thị trường
07:36 | 04/03/2024
Theo nghiên cứu vừa được công bố cuối tuần trước, việc thu hẹp bảng cân đối tài sản, hay còn được gọi là thắt chặt định lượng (Quantitative tightening - QT) của các NHTW lớn được thực hiện từ đầu năm 2022 chỉ có tác động khiêm tốn đến lãi suất và ảnh hưởng không đáng kể đến một loạt các chỉ số tài chính khác.
Tác động không lớn…
Nhớ lại giai đoạn đại dịch Covid-19, bên cạnh việc cắt giảm mạnh lãi suất, nhiều NHTW lớn còn triển khai các chương trình nới lỏng định lượng (Quantitative Easing – QE) thông qua việc mua vào tài sản như trái phiếu chính phủ, chứng khoán thế chấp… Tính chung bảng cân đối tài sản của các NHTW đã tăng thêm khoảng 8 nghìn tỷ USD trong giai đoạn này.
![]() |
Thế nhưng lạm phát bùng phát trên toàn thế giới đã buộc các NHTW phải tăng mạnh lãi suất và thu hẹp bảng cân đối tài sản (thắt chặt định lượng - QT). Theo đó đến nay, 7 NHTW lớn trong đó có Fed, NHTW Châu Âu, NHTW Anh đã giảm bảng cân đối tài sản của mình khoảng 2,2 nghìn tỷ USD thông qua hoạt động bán trực tiếp hoặc để các tài sản tài chính đáo hạn.
Cũng đã có những lo ngại là QT sẽ có tác động tương tự đến thị trường như QE, chỉ theo hướng ngược lại. Tuy nhiên theo một nghiên cứu của các nhà kinh tế bao gồm Wenxin Du của Trường Kinh doanh Columbia (từng là nhà hoạch định chính sách của NHTW Anh), Giáo sư Kristin Forbes của Trường Quản lý MIT-Sloan và Matthew Luzzetti của Deutsche Bank, QT lại có tác động ít hơn nhiều so với QE trước đó.
Cụ thể nghiên cứu vừa được công bố cuối tuần trước tại một diễn đàn chính sách tiền tệ cho thấy, tác động trực tiếp của việc QT đối với lợi suất trái phiếu chính phủ ở 7 thị trường nói trên được ước tính tổng thể ở mức từ 4 đến 8 điểm cơ bản đối với chứng khoán đáo hạn một năm trở lên trong tương lai. Thậm chí tại Mỹ, tác động "gần bằng 0" vì thông tin "nhỏ giọt" của Fed cho phép thị trường điều chỉnh theo thời gian.
Các tác giả nhận thấy, ảnh hưởng của QT chủ yếu là do các thông báo của các NHTW về kế hoạch của họ chứ không phải do các giao dịch thực tế. Tuy nhiên nghiên cứu tập trung vào những biến động của thị trường vào ngày trong và ngày sau khi các NHTW công bố chính sách về bảng cân đối kế toán, việc bán tài sản và các sự kiện quan trọng khác, nên các tác giả cảnh báo rằng họ có thể không nắm bắt được những tác động chậm hơn.
… vẫn cần thận trọng
Bình luận về nghiên cứu này, Thống đốc Fed Christopher Waller và Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan cho biết “sự bất cân xứng” này có thể là do bối cảnh kinh tế mà các NHTW thực hiện QE và QT khác nhau.
Thống đốc Fed Chris Waller cho biết, Fed đã thu hẹp bảng cân đối tài sản khoảng 95 tỷ USD mỗi tháng thông qua đáo hạn bằng trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp, nhưng "không gây ra căng thẳng đáng kể trên thị trường tài chính - điều mà một vài năm trước có thể khiến nhiều người ngạc nhiên". “Điểm mấu chốt ở đây là (QE) được tiến hành trong các điều kiện thị trường khác với những điều kiện xảy ra khi QT được thực hiện”¸ ông nói. “Không có gì đáng ngạc nhiên khi hiệu ứng sẽ khác nhau”.
Tác động của chính sách mua hoặc bán tài sản của NHTW đối với các điều kiện tài chính là một lĩnh vực được nghiên cứu rất nhiều kể từ khi Fed và các NHTW lớn khác mở rộng nhanh chóng bảng cân đối tài sản của họ nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau khi lãi suất bị cắt xuống 0 trong cuộc suy thoái năm 2009 đến 2010 và sau đó một lần nữa để ứng phó với đại dịch.
Trong khi việc mua tài sản của NHTW (hoặc QE) được cho là có thể làm giảm lãi suất dài hạn có lẽ đến 1 điểm phần trăm hoặc hơn và thúc đẩy thị trường chứng khoán, thì QT dường như không có tác dụng tương tự theo hướng ngược lại - điều mà các tác giả cho biết có thể là kết quả của các điều kiện kinh tế, thanh khoản khác nhau và các điều kiện khác có thể xảy ra xung quanh mỗi chính sách.
Các NHTW bao gồm Fed hiện đang tranh luận về việc có thể thu hẹp bảng cân đối kế toán thêm bao nhiêu nữa, với các nhà hoạch định chính sách nhận thức được rằng vào mùa thu năm 2019, Fed đã để lượng tài sản nắm giữ của mình giảm quá mạnh, khiến chi phí vay qua đêm của các ngân hàng tăng đột biến và buộc Fed phải khắc phục bằng việc nhanh chóng nối lại việc mua tài sản.
Các tác giả cho biết họ không thể loại trừ khả năng xảy ra biến động tương tự lần này trong một quá trình vẫn đang được tiến hành. “Thách thức sẽ là đánh giá khi nào sự điều chỉnh suôn sẻ này có thể đột ngột chuyển sang khủng hoảng thanh khoản và có tác động mạnh hơn đến thị trường tài chính – tương tự như thời điểm nước đột ngột sôi lên”, họ viết.
Hoàng Nguyên