Đà Nẵng: Doanh nghiệp tăng tốc từ đầu năm
12:45 | 15/01/2024
Gác lại những khó khăn trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang bước vào năm 2024 với sự chủ động, nỗ lực và nhiều dự định mới với kỳ vọng sẽ khôi phục đà tăng trưởng.
Kỳ vọng khôi phục tăng trưởng
Năm 2023 đã khép lại với nhiều khó khăn đối với kinh tế Đà Nẵng nói chung, các doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng. Theo đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố ước giảm 2,5% (trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước giảm 3,8%), song giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 0,33% so với năm 2022. Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố chỉ ước đạt 1.864 triệu USD trong năm 2023, giảm 11,6% so với năm 2022; trong đó, doanh nghiệp trong nước ước đạt 820 triệu USD, giảm 12,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1.040 triệu USD, giảm 11%...
![]() |
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đang nỗ lực tăng tốc ngay từ đầu năm |
Gác lại những khó khăn trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang bước vào năm 2024 với sự chủ động, nỗ lực và nhiều dự định mới với kỳ vọng sẽ khôi phục đà tăng trưởng.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) nhận định, tình hình kinh doanh của năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải chủ động xây dựng chiến lược. Như DRC đã chuẩn bị 4 đến 5 năm đầu tư nhà máy Radial mới để năm 2024 kỳ vọng tăng trưởng mạnh. Nhà máy Radial dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024 sẽ nâng công suất sản xuất của đơn vị lên gấp 1,5 lần, đi cùng với đó, doanh nghiệp sẽ chủ động có chiến lược phát triển ở từng phân khúc thị trường. Ông Nhựt chia sẻ thêm, thị trường có lúc lên lúc xuống, nhưng doanh nghiệp phải chủ động, đi trước. Bởi vậy, bản thân các doanh nghiệp phải nỗ lực chủ động trong định hướng phát triển, tìm kiếm thị trường để duy trì và phát triển sản xuất. DRC vẫn sẽ chủ động trong công tác xúc tiến thương mại như các hội chợ quốc tế tại Hoa Kỳ, Brazil… Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp tục có sự đồng hành hỗ trợ từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu.
Tương tự, tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam đến nay đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 4/2024. Đại diện công ty cho biết, nhu cầu thị trường đã cải thiện từ quý IV/2023, bởi vậy, công ty cũng đã tuyển thêm 150 lao động để đáp ứng sản xuất. Doanh thu năm 2023 của công ty chỉ đạt 70% kế hoạch, tuy vậy, hơn 3.200 lao động của công ty vẫn bảo đảm thu nhập cùng các chế độ phúc lợi đầy đủ.
Bước vào năm 2024, Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8 đến 8,5% so với năm 2023. Trong đó, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp, xây dựng đạt 6 đến 6,3%; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo - lĩnh vực công nghiệp chủ lực, chiếm 14,5% trong tổng GRDP; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5 đến 6%. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 3% so với năm 2023…
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Đặt trong bối cảnh thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn. Để đạt được những mục tiêu trên bên cạnh những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của cơ quan chức năng ở địa phương.
Theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố, cần có các giải pháp hữu hiệu để lấy lại đà tăng trưởng. Trong đó chú trọng các giải pháp duy trì nhịp độ của một số ngành sản xuất đang có mức tăng cao như sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất phụ tùng xe có động cơ…
Cũng theo ông Vũ, bên cạnh đó, thành phố còn có các giải pháp đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, góp phần mở rộng quy mô sản xuất đối với những ngành tăng trưởng chưa cao như hóa dược và dược liệu; sản xuất trang phục; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thiết bị điện; giấy và sản phẩm từ giấy. Đặc biệt, tập trung nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn những ngành đang trên đà giảm sâu như, chế biến gỗ; sản xuất kim loại và đúc sẵn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác (đồ chơi trẻ em, thiết bị câu cá…).
Trước việc nhiều doanh nghiệp đang “xếp hàng” chờ thành phố hoàn thiện khớp nối hạ tầng, có tiêu chí và đưa vào vận hành cụm công nghiệp Cẩm Lệ, bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2024, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố và các cấp tập trung tạo ra quỹ đất mới, trong đó, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp Cẩm Lệ, triển khai các bước để thu hút đầu tư các cụm công nghiệp mới; phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới, tạo quỹ đất mới cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sở tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, kết nối thị trường…
Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn địa phương xem xét việc điều chỉnh hệ số giá đất tại các khu công nghiệp, có chính sách hỗ trợ về hạ tầng để chia sẻ một phần khó khăn hiện nay đang phải đối mặt. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, tham gia, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung. Đặc biệt, nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo được sự ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm…
Đặc biệt, theo ông Lê Minh Phúc, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kết nối chính quyền với doanh nghiệp. Thành phố cần tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp địa phương trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các cơ chế, chính sách, quy định của địa phương liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Tăng tính tương tác giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp qua các buổi đối thoại, gặp gỡ chia sẻ thông tin để nắm bắt nguyện vọng doanh nghiệp sát thực tế, kịp thời hơn.
Bài và ảnh Nghi Lộc