"Mở lối" cho vay tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen Thúc đẩy vay tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen Tăng cường cho vay tiêu dùng hỗ trợ người lao động |
Ngân hàng ngoại tích cực tham gia
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, dư địa cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt, mới đây, NHNN Việt Nam đã có văn bản số 9668/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Trên thực tế, hiện lĩnh vực cho vay tiêu dùng không chỉ thu hút các ngân hàng trong nước mà các nhà băng ngoại cũng tham gia thị trường cho vay này.
Cathay United Bank (CUB) của Đài Loan cho biết, ngân hàng sẽ tập trung xây dựng nền tảng và hệ thống tài chính tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam, với mục tiêu trở thành ngân hàng chuẩn mực về tài chính tiêu dùng số tại Đông Nam Á. Ông Benny Miao - Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của CUB cho biết, CUB sẽ mang hệ sinh thái của tập đoàn đến Việt Nam để phát triển cho vay tiêu dùng cá nhân.
“Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của CUB do quốc gia này ngày càng đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chúng tôi nhận thấy cơ hội này”, ông Benny Miao nhận định.
![]() |
Đại diện Ngân hàng Cathay Đài Loan cho biết, sẽ xây dựng dịch vụ tài chính số và dự kiến cho ra sản phẩm tài chính cá nhân đầu năm 2024 |
Ông Lu Wei Chieh, Tổng giám đốc chi nhánh CUB TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, bên cạnh phục vụ khách hàng doanh nghiệp vốn là thế mạnh nhiều năm nay của CUB, ngân hàng đặt mục tiêu trong 3 năm tới sẽ mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực tài chính tiêu dùng kỹ thuật số. CUB sẽ mở rộng dịch vụ tài chính cá nhân do thị trường Việt Nam có lợi thế dân số hơn 100 triệu người, những người ở độ tuổi trung bình 30 tuổi quen thuộc với việc sử dụng các công cụ thanh toán số. CUB tập trung xây dựng nền tảng và hệ thống tài chính tiêu dùng kỹ thuật số, phấn đấu trở thành chuẩn mực tài chính tiêu dùng kỹ thuật số trong số các ngân hàng Đài Loan tại Đông Nam Á.
Trước đó, UOB một ngân hàng của Singapore sau 30 năm hoạt động trong mảng bán buôn, năm 2023 cũng chính thức mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng, bán lẻ của Citibank tại Việt Nam.
Mua lại mảng bán lẻ của Citibank giúp UOB mở rộng mạng lưới đối tác tại các thị trường, đồng thời tăng gấp ba cơ sở khách hàng bán lẻ, tăng gấp đôi số dư tiền gửi và cho vay bán lẻ của UOB Việt Nam. Đồng thời cung cấp cho ngân hàng một danh mục đầy đủ các sản phẩm tín chấp, bao gồm thẻ tín dụng và cho vay tín chấp cá nhân để bổ sung cho các khoản vay mua ô tô và thế chấp hiện tại. Việc mua lại mảng bán lẻ của Citibank cũng giúp UOB “kết nạp” thêm 575 nhân sự vào nguồn lực sẵn có của ngân hàng, góp phần đẩy nhanh mục tiêu phát triển cơ sở khách hàng UOB Việt Nam.
Trước đó, trên thị trường M&A mảng tài chính tiêu dùng còn có sự tham gia của ShinhanBank mua lại của ANZ Việt Nam, Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) mua 15% cổ phần phát hành riêng lẻ của VPBank với tham vọng phát triển mảng tài chính cá nhân của ngân hàng này.
Ngân hàng sẽ dễ dàng triển khai các khoản vay nhỏ
Một chuyên gia tài chính tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường cho vay tiêu dùng qua hình thức cấp hạn mức cho người có thu nhập ổn định của Việt Nam đang được các giới đầu tư châu Á khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng.
Theo một nghiên cứu của HSBC, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới vào năm 2030, vượt qua Đức và Anh. Trong khi đó các nghiên cứu khác cũng cho biết, tín dụng tiêu dùng tăng lên theo thu nhập của người dân là một thực tế. Tiêu dùng hiện nay còn là một trong 3 trụ cột tăng trưởng Chính phủ đặt ra bên cạnh xuất khẩu, đầu tư.
Theo đó, các nhu cầu cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống để mua, thuê mua phương tiện đi lại, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục thể thao và chi phí khác cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày của cá nhân, hộ gia đình, đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Riêng địa bàn TP. Hồ Chí Minh, mảng tín dụng tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng từ 7,2% vào năm 2018 lên mức 20% trong năm 2023.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, thời gian tới, tín dụng tiêu dùng sẽ được hỗ trợ từ việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06. Sau 8 tháng triển khai, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, NHNN đã phối hợp với C06 thực hiện bốn đợt rà soát, đối chiếu dữ liệu của 42 triệu hồ sơ khách hàng vay. Hiện tại, hai bên đang tiếp tục làm sạch thêm khoảng 6,5 triệu hồ sơ khách hàng phát sinh trong năm 2023. Tính đến nay, đã có 48 TCTD liên hệ với C06 để trao đổi về phương án làm sạch dữ liệu.
Đến nay, một số ngân hàng đã ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, định danh xác thực điện tử bằng tài khoản công dân cấp độ 2 VneID về việc ứng dụng chấm điểm khả tín công dân (thay cho eKYC trước đây) tiết giảm nhiều chi phí và thời gian cho người dùng dịch vụ ngân hàng.
Bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc khối Bán lẻ của Vietcombank cho biết, thời gian qua đã có những liên kết, hiện nay ngân hàng này đã sẵn sàng kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và đang đợi công văn của cơ quan có thẩm quyền để chính thức kết nối vào môi trường thật trong ngày 15/1 tới đây. Theo đó, năm 2024, ngân hàng có thể triển khai ngay các sản phẩm cấp tài khoản trực tuyến bằng thông tin tài khoản VneID cấp độ 2. khách hàng mở tài khoản trực tuyến thông qua tài khoản cấp độ 2 VneID, ngân hàng cũng có thể cấp khoản vay thấu chi có giá trị nhỏ cho khách hàng trả lương tối thiểu 6 triệu đồng/tháng qua Vietcombank thông qua mô hình chấm điểm khả tín công dân - một trong những tiêu chí ngân hàng đánh giá và cấp khoản vay cho khách hàng có thu nhập thấp và không có tài sản đảm bảo.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ngan-hang-mo-rong-cho-vay-tieu-dung-148353.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.