Năm 2024: Chính sách tài khóa là động lực tăng trưởng kinh tế VinaCapital: Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6-6,5% |
![]() |
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khai mạc Diễn đàn. |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Diễn đàn năm nay diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh năm 2024 được xác định là năm tăng tốc để hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, cũng là giai đoạn nền tảng giữa kỳ thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030, là một sự kiện uy tín đã được tổ chức thường niên qua 16 năm và được tổ chức vào ngay những ngày đầu năm.
Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần đưa ra những dự báo về triển vọng tăng trưởng toàn cầu và khu vực, điều chỉnh chính sách của các nước và những tác động đến Việt Nam, từ đó đưa ra những khuyến nghị mang tính giải pháp đột phá để phát triển trong thời gian tới.
Cũng theo bà Nguyễn Minh Hằng, vào thời điểm này năm ngoái, chúng ta đã đánh giá là triển vọng kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhiều rủi ro đứng trước nguy cơ suy thoái và thực tế diễn biến trong năm 2023 đã cho thấy những dự báo này là chính xác, thậm chí có những mặt còn khó khăn, phức tạp hơn.
Bối cảnh bất ổn đó càng cho chúng ta thấy ý nghĩa của những kết quả kinh tế - xã hội mà chúng ta đã đạt được trong năm 2023, đó là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đó là phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và tổng cả năm cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực. Đó là phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời sự phối hợp nhịp nhàng, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Đó là công tác đối ngoại được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là điểm sáng ấn tượng trong tổng thể bức tranh chung.
“Cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi chưa từng có hiện nay đã góp phần thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển năm 2023 khi chúng ta cũng đã thu hút được 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Những kết quả có ý nghĩa lịch sử, tầm vóc chiến lược và tác động lâu dài này đang tạo ra một môi trường chiến lược, vị thế chiến lược và thời cơ chiến lược mới, thuận lợi cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế của đất nước”, bà Hằng cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, những tháng ngày gần đây, Bộ đã tổ chức Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 vào cuối tháng 12. Hội nghị đánh giá rất sâu sắc, đa chiều về tình hình thế giới, tình hình khu vực và các ý kiến đều đưa đến nhất trí là cục diện thế giới đang tiếp tục định hình theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng lớp. Từ góc độ của Bộ Ngoại giao, bà Hằng chia sẻ một số nhận định về tình hình kinh tế thế giới và những tác động đến phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.
![]() |
Toàn cảnh Diễn đàn |
Theo đó, thứ nhất, kinh tế thế giới tiếp tục trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt, tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng. Kinh tế năm 2024 nhiều rủi ro, bất định và thận trọng. Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của WB vừa công bố ngày 9/1 đã dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ giảm xuống mức 2,4%, là năm thứ ba giảm liên tiếp và thấp nhất, thấp hơn 0,75 điểm phần trăm so với mức trung bình của giai đoạn trước. Tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu cũng chỉ bằng một nửa trước đại dịch. Câu hỏi đặt ra với chúng ta là liệu kinh tế thế giới năm 2024 đã đến điểm đáy của suy giảm hay chưa.
Đã có những đánh giá cho rằng, thế giới cũng sắp bước vào một siêu chu kỳ tăng trưởng mới với sự phát triển và ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khử carbon. WB cũng nhận định: toàn cầu vẫn có cơ hội xoay chuyển cục diện tăng trưởng thông qua việc đẩy mạnh các chính sách đồng bộ nhằm kích hoạt đầu tư bùng nổ. Hiện nay, các nước đang phát triển ước tính nhu cầu đầu tư gần 2,4 nghìn tỷ USD đến năm 2030 để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai, căng thẳng địa chính trị toàn cầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều hệ lụy đối với kinh tế toàn cầu, nhất là phân mảnh kinh tế có chiều hướng sâu sắc hơn. Hội nghị WEF Davos 2024 sẽ diễn ra trong vài ngày tới được đặt với chủ đề: Khôi phục lòng tin. Điều này cũng cho thấy cộng đồng quốc tế, cả các chính phủ và các doanh nghiệp đều hết sức lo ngại về những bất ổn trong địa chính trị toàn cầu hiện nay, vì nó tác động đến kinh tế thế giới và vẫn cho thấy tính cấp bách của việc phải duy trì hợp tác trong kiểm soát rủi ro và thúc đẩy vai trò của hợp tác đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương.
Thứ ba, liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển mạnh theo hướng gắn với các xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững. Các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh hơn, nội hàm phức tạp hơn và tác động đa chiều hơn, đòi hỏi chúng ta phải phân tích và đánh giá những xu thế mới trong liên kết kinh tế thế giới sẽ tác động đến các ngành nghề, các lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Vớibối cảnh quốc tế như vậy, bà Hằng cho rằng hai nội dung quan trọng vừa có ý nghĩa nền tảng, vừa có vai trò đột phá với phát triển của Việt Nam trong thời gian tới là cơ chế, chính sách và tác động lực tăng trưởng mới.
Do vậy, thứ nhất, cần làm rõ các kịch bản tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2024, dự báođiểm đáy của suy giảm tăng tưởng toàn cầu, thời điểm đảo chiều trong chính sách tiền tệ, lãi suất của các nước, đặc biệt là các nước lớn và tác động đến kinh tế thế giới, kinh tế khu vực và tác động đến kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, cần đánh giá các tác động đối với kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu; từ đó xác định những điểm thuận lợi, những điểm không thuận, những cơ hội cần được tranh thủ để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời đẩy mạnh những động lực tăng trưởng mới; nhận diện những cơ hội mới để Việt Nam có thể phát triển bứt tốc, tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, xác định những cơ chế, chính sách trước mắt, dài hạn cần thúc đẩy ở các cấp, các ngành, làm rõ những ưu tiên, lộ trình trọng tâm, trọng điểm, đề xuất những giải pháp có tính khả thi, những dự án cụ thể và các biện pháp thực tiễn từ các doanh nghiệp để tận dụng tốt hơn, thực thi mạnh hơn và thúc đẩy mạnh mẽ hơn các động lực tăng trưởng mới.
"Chúng tôi xác định ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Phương châm là ngoại giao kinh tế lấy người dân địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Trong thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng các bộ, ngành để nâng cao hiệu quả của công tác ngoại giao kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Trọng tâm của năm 2024 trong công tác ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao cũng sẽ tiếp tục tranh thủ tối đa cục diện đối ngoại thuận lợi hiện nay, đẩy mạnh đa dạng hóa, đa phương hóa, phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đối tác của chúng ta để tận dụng, tranh thủ các cái nguồn lực trong phát triển đất nước”, bà Hằng cho hay.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thuc-day-co-che-chinh-sach-thuc-thi-manh-me-cac-dong-luc-tang-truong-kinh-te-moi-148262.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.