Đón làn sóng đầu tư thế hệ mới: Rất khó nếu chỉ ngồi “chờ”

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang rất tích cực, nhưng cần nhiều nỗ lực và sự chủ động chuẩn bị hơn nữa để đón dòng đầu tư chất lượng cao.
Thu hút đầu tư thế hệ mới

Cơ hội để chọn lọc thu hút đầu tư tốt hơn

Số liệu của Tổng cục Thống kê tính đến ngày 20/11 cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 28,85 tỷ USD, cao hơn đáng kể cùng kỳ các năm 2020-2022 (tăng 14,8% so với cùng kỳ 2022). Dù con số này còn thấp hơn mức 31,80 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019 (trước khi có đại dịch Covid), nhưng có thể khẳng định thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 11 tháng qua là rất tích cực, bởi cho đến hết 6 tháng đầu năm, thu hút đầu tư nước ngoài sụt giảm vẫn là quan ngại lớn (tổng vốn đăng ký đến ngày 20/6/2023 mới đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ 2022).

Đón làn sóng đầu tư thế hệ mới: Rất khó nếu chỉ ngồi “chờ”

Một trong những vấn đề đã được các chuyên gia chỉ ra, đó là con số vốn đăng ký quan trọng nhưng quan trọng hơn nằm ở thực tế giải ngân. Nhìn ở góc độ này, 11 tháng qua cũng ghi nhận sự “rất tích cực”. Đến 20/11, vốn thực hiện ước đạt 20,25 tỷ USD, dù chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng là con số thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Những kết quả này phần nào cho thấy môi trường thu hút đầu tư vẫn ổn định và hấp dẫn, đồng thời cho thấy những chỉ báo tích cực cho thời gian tới.

Việt Nam cần lựa chọn những dự án đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững
Việt Nam cần lựa chọn những dự án đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu phát triển
bền vững

Đặc biệt, cùng với xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng nhanh trong những tháng gần đây (trong đó có vốn từ Trung Quốc), việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa qua, hay nhiều khả năng Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA) cũng sớm hoàn tất những bước cuối cùng (hiện EVIPA vẫn đang trong quá trình phê chuẩn của các nước thành viên EU) kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng đầu tư mới, những cơ hội không thể tốt hơn cho Việt Nam trong thu hút các dòng vốn chất lượng, có chọn lọc, công nghệ cao... như mục tiêu Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay vẫn thấp. Với những tín hiệu tích cực như vừa qua, nhu cầu đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng và đó chính là cơ hội để chọn lọc thu hút đầu tư tốt hơn. Bởi khi môi trường đầu tư tiếp tục tốt lên, các quan hệ được nâng cấp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đưa công nghệ cao vào… sẽ buộc các doanh nghiệp khác cũng nỗ lực để có sự cạnh tranh. "Khi dòng đầu tư vào nhiều hơn, công nghệ cao hơn với suất đầu tư rẻ hơn, hợp lý hơn thì chúng ta cũng có quyền lựa chọn tốt hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam", ông Nguyễn Văn Toàn nhận định.

Chủ động để tận dụng cơ hội

TS. Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC cho rằng, trong “chiếc bánh” đầu tư nước ngoài toàn cầu, Việt Nam chiếm thị phần khá lớn. “Để có được điều này, tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã làm tốt và Việt Nam đang có những lợi thế so sánh để tận dụng được sự chuyển dịch chuỗi giá trị cung ứng sang Đông Nam Á hiện nay”, TS. Frederic Neumann nói. Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng trong thời gian tới, sẽ cần những nỗ lực hơn nữa để hướng tới đa dạng các nguồn vốn đầu tư nước ngoài và thu hút vào nhiều ngành, lĩnh vực hơn nữa bên cạnh các ngành đã thu hút tốt. Ví dụ, Việt Nam vẫn cần thu hút vào các lĩnh vực như hóa dầu, dược phẩm, chế biến nông sản… để không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn phục vụ được chính thị trường nội địa với giá cả rẻ hơn.

Chuyên gia cho rằng, vẫn còn những thách thức khi các doanh nghiệp toàn cầu thiết lập hoạt động tại Việt Nam. “Trong đó,

logistics, năng lượng, và lao động có kỹ năng nằm trong số những trở ngại lớn nhất. Việt Nam hiện vẫn có lực lượng lao động dồi dào nhưng do nền kinh tế Việt Nam đang phát triển và chúng ta muốn thu hút được các dòng vốn đầu tư chất lượng hơn thì việc tái đào tạo lao động, cải thiện giáo dục để đảm bảo có được nguồn lao động trình độ cao, đủ đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên là rất cần thiết”, theo TS. Frederic Neumann.

Bên cạnh đó, một xu hướng ngày càng trở nên quan trọng là ESG (môi trường - xã hội - quản trị). Các công ty từ Mỹ, châu Âu… ngày càng nhấn mạnh về vấn đề phát triển bền vững và có thể thấy rất nhiều đối thủ cạnh tranh của Việt Nam cũng ngày càng tăng cường cải thiện các vấn đề liên quan đến ESG để thu hút đầu tư nước ngoài. “Việt Nam cũng đang hành động như vậy, nhưng đây là vấn đề phải tập trung làm tốt hơn nữa để đảm bảo các doanh nghiệp và thị trường bên ngoài tiếp tục nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tương lai. Triển khai tốt ESG sẽ rất quan trọng để duy trì khả năng cạnh tranh, thu hút của Việt Nam trong thời gian tới”, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC khuyến nghị.

Trên đây chỉ là một số yếu tố cho thấy để biến cơ hội thành hiện thực, Việt Nam không thể bị động ngồi “chờ”, mà phải chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn ngày càng gay gắt, thuế tối thiểu toàn cầu chuẩn bị được áp dụng và các lợi thế cạnh tranh truyền thống ngày càng giảm đi. Cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống pháp lý theo chuẩn quốc tế, sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao... sẽ là những yếu tố vô cùng quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/don-lan-song-dau-tu-the-he-moi-rat-kho-neu-chi-ngoi-cho-147370.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.