![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của phóng viên |
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, về nguyên tắc chúng ta sẽ phải huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát điện trước và nhà máy điện có giá đắt phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Hiện nay nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả rất nhiều các nước trên thế giới, các nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc hoặc ngay ở ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đều áp dụng giá điện cho mục đích sinh hoạt theo các bậc với giá điện của bậc thang sau cao hơn so với bậc thang trước tương tự như Việt Nam đang tiến hành.
Việc thiết kế giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo các bậc phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần nhằm khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm.
Thực tế áp dụng trong những năm gần đây cho thấy, việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục đích khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và tương đối phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại sao chúng ra không áp dụng giá điện hai thành phần, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kinh nghiệm áp dụng tại các nước trên thế giới cho thấy giá bán điện hai thành phần gồm giá công suất tính theo KW và giá điện năng thì tính theo kwh chỉ áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất và kinh doanh. Cơ chế giá này không áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt. Do đây là một cơ chế mới vì vậy cần có nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng, tránh tác động quá lớn tới các nhóm khách hàng sử dụng điện.
Trong thời gian tới, căn cứ vào đặc điểm sử dụng điện của các khách hàng ở Việt Nam và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước đã áp dụng mô hình này, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và đề xuất áp dụng thử nghiệm giá bán điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng cho một số nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất để có cơ sở đánh giá tác động đến giá bán lẻ điện bình quân cũng như đến chi phí sản xuất của khách hàng sử dụng điện.
Về ưu, nhược điểm của cách tính biểu giá điện sinh hoạt năm bậc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ưu điểm thì chúng ta cũng thấy rất rõ là đơn giản, người dân dễ hiểu và chúng ta đã giảm được một bậc.
Trước đây là sáu bậc, hiện nay chỉ còn có năm bậc và việc ghép bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn, đồng thời hạn chế được một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.
Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội không thay đổi so với khi áp dụng cơ cấu điện như hiện nay chúng ta áp dụng sáu bậc. Mức tăng giá giữa các bậc cũng tương đối hợp lý. Cụ thể chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối là hai lần và khi so sánh với các xu thế của thế giới là phù hợp. Ví dụ như ở Mỹ, ở Nam California mức chênh lệch giữa bậc một và bậc cuối cùng là 2,2 lần, Việt Nam là 2 lần nhưng Hàn Quốc 3 lần, Lào là 2,88, Thái Lan là 1,65 lần… Các hộ sử dụng điện từ 710 kwh trở xuống, (số này đang chiếm 98 % số hộ sẽ có tiền điện phải trả giảm đi so với cách tính cũ 6 bậc. Còn nhược điểm thì nó rơi vào cái 2% số hộ còn lại, tức là các hộ sinh hoạt có mức điện sử dụng điện cao hơn 711 kwh một tháng trở lên phải trả tăng thêm.
Về áp dụng giá giờ cao điểm và thấp điểm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay cách tính này vẫn còn phù hợp. Bởi lẽ, đặc điểm của hệ thống điện luôn có sự chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm của biểu đồ phụ tải và sự chênh lệch lớn giữa giờ cao điểm và thấp điểm làm cho hệ thống điện phải có dự phòng lớn nên một số nhà máy điện được đầu tư chỉ cho vận hành cao điểm, có số giờ vận hành ít nên giá rất cao.
Việc điều hành hệ thống điện rất khó khăn, làm gia tăng tổn thất điện năng, tạo ra áp lực vốn đầu tư rất lớn để xây dựng nguồn điện mới chạy cao điểm, tính kinh tế toàn hệ thống giảm thấp nên biện pháp áp dụng giá điện theo giờ bình thường, cao điểm và thấp điểm đã được áp dụng tại rất nhiều nước trên thế giới để giảm bớt nhu cầu phụ tải đỉnh của hệ thống, điều chỉnh biểu đồ phụ tải sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất và đem lại lợi ích cho vận hành hệ thống điện vào nền kinh tế quốc dân.
Trong các giờ cao điểm, để đảm bảo đúng công suất hệ thống điện quốc gia và lưu động các nhà máy tua-bin khí chạy dầu hoặc nhà máy chạy dầu có giá phát điện rất cao. Vì giá phát điện cao nhất nên giá bán lẻ điện cũng cao vào giờ cao điểm hệ thống. Để phản ánh đúng thực tế chi phí sản xuất điện, biểu giá điện vào các giờ cao điểm cần phải cao hơn giá bình thường hoặc thời điểm là thấp điểm, ông Hải cho biết thêm.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc áp dụng biểu giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng trong ngày nhằm khuyến khích các khách hàng tiết kiệm chi phí dùng điện bằng cách dịch chuyển một phần những phụ tải không cần thiết từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm hay giờ bình thường để giảm nhu cầu phụ tải toàn hệ thống trong giờ cao điểm, góp phần giảm áp lực vốn đầu tư xây dựng nguồn điện mới. Nếu không áp dụng giá cao điểm vào những giờ cao điểm của hệ thống thì nhu cầu công suất của hệ thống sẽ còn tăng cao hơn nữa và sẽ dẫn tới khó khăn trong việc cung cấp điện trong giờ cao điểm.
Qua thực tế trong những năm vừa qua chúng ta áp dụng cho thấy, việc áp dụng giá điện theo khung thời gian sử dụng điện trong ngày là phù hợp trong giai đoạn hiện nay để góp phần tối ưu vận hành hệ thống và đảm bảo khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ap-gia-dien-theo-khung-thoi-gian-de-khuyen-khich-su-dung-dien-tiet-kiem-147149.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.