Vì sao liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI lỏng lẻo
11:27 | 06/12/2023
Mặc dù đánh giá cao vai trò của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong phát triển kinh tế Việt Nam trong 35 năm qua, các chuyên gia tham dự Tọa đàm “Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp cùng Viện Konrad - Adenauer - Stiftung (KAS) tổ chức ngày 5/12, chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới mối liên kết này lỏng lẻo và cho rằng, để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu cần có sự đột phá về tư duy, chính sách cũng như hành động, không chỉ của Chính phủ mà còn cả từ phía doanh nghiệp nội địa, các trường đại học và chính quyền địa phương…
“Doanh nghiệp FDI còn đang chờ đợi những cải thiện“ Tăng trưởng xanh gặp thách thức khi doanh nghiệp FDI đang dùng công nghệ lạc hậu |
Liên kết yếu vì quy mô nhỏ
Tại tọa đàm, trình bày Báo cáo Liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam tới chuỗi giá trị toàn cầu, thành viên nhóm nghiên cứu, TS. Trần Thị Mai Thành chỉ ra lý do liên kết yếu là do 90% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đầu tư vào Việt Nam thường gắn với các công ty xuyên quốc gia (TNC).
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước mình hơn là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước. Ví dụ như các doanh nghiệp Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chỉ mua sắm khoảng 32,6% dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương. Họ tìm đến Việt Nam chủ yếu là tìm kiếm thị trường, tài nguyên và tối ưu hóa chi phí thông qua nhân công rẻ.
![]() |
Để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu cần có sự đột phá về tư duy, chính sách cũng như hành động |
Bên cạnh đó thì quy mô và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp; khả năng đáp ứng nhu cầu cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam vẫn còn yếu, khiến cho tỷ lệ nội địa hóa của nhiều ngành công nghiệp còn thấp.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cùng các chuyên gia chỉ ra, dù có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua doanh nghiệp FDI, nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với vấn đề lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ có tay nghề và kỹ năng làm việc.
Bên cạnh đó là năng lực công nghệ. Theo đó hiện 94% doanh nghiệp FDI đều dự định áp dụng công nghệ cao trong thời gian tới, song các doanh nghiệp trong nước thường nhỏ và yếu về điều này, gây hạn chế trong việc hợp tác với doanh nghiệp FDI.
Xây dựng hệ sinh thái liên kết thế nào?
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR cho biết, nhìn chung các chính sách thúc đẩy liên kết doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI thời gian qua đã có điều chỉnh phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới với nhiều giải pháp thực chất. Tuy vậy, vẫn chưa cho thấy sự hỗ trợ tốt nhất do sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn chưa chặt chẽ. Một số chính sách hỗ trợ mang tính chất thụ động, chưa xác định rõ thời điểm dừng hỗ trợ, có khả năng gây ra phản ứng ngược khi khiến doanh nghiệp ỷ lại.
Mặt khác, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế tạo; chưa có chính sách tận dụng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) để nâng cao giá trị gia tăng trong nước của sản phẩm chính và phát triển chuỗi cung ứng tại ngay thị trường nội địa; chính sách thu hút đầu tư FDI vào các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành.
Để thúc đẩy mỗi liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, tận dụng những tác động lan tỏa về mặt công nghệ và giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nghiên cứu đã đưa ra một số nhóm giải pháp, bao gồm: Thiết lập liên kết vùng tạo ra sự kết nối giữa các vùng đang trở thành một biện pháp tối quan trọng để thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng là cốt lõi để hỗ trợ quá trình liên kết vùng.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào khoa học công nghệ, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần hoàn thiện môi trường đầu tư. Xây dựng các trung tâm kỹ thuật công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp; Khuyến khích các doanh nghiệp FDI thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc xây dựng trung tâm R&D trong doanh nghiệp; Về phía doanh nghiệp Việt Nam, cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó là các chính sách “ngoại giao đơn hàng", thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp ở nước ngoài; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực chứng, TSKH. Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra 2 yếu tố quan trọng để Việt Nam “cất cánh” về sản xuất, đó là nhân lực và công nghệ, trong đó cần phát huy vai trò của các trường đại học và viện nghiên cứu.
Ở khía cạnh khác, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích: Chúng ta quá ưu tiên doanh nghiệp FDI trong khi họ là doanh nghiệp nước ngoài không ở đây mãi và khi có môi trường hấp dẫn họ có thể chuyển đi. Vì vậy, phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển và hợp tác với FDI. “Ưu tiên FDI có thể biến một tỉnh trong một thập kỷ thành tỉnh công nghiệp, nhưng cần phải gia tăng thực sự giá trị gia tăng nội địa trong liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam”, ông Doanh nói.
Nhất Thanh