Đào tạo thương mại điện tử chưa được quan tâm đúng mức
09:59 | 06/12/2023
Bên cạnh việc tạo ra bản sắc riêng các trường đại học cũng cần nhanh chóng thiết kế các học phần để nắm bắt hai xu hướng nổi bật của thương mại điện tử trên thế giới là thương mại điện tử xuyên biên giới và bảo vệ môi trường trong kinh doanh trực tuyến.
Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỉ USD Tăng trưởng thương mại điện tử năm 2023 ước trên 25% Thương mại điện tử cần tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững |
![]() |
Các trường kinh tế, đào tạo ngành thương mại điện tử cần nắm bắt xu hướng phát triển của xuất khẩu trực tuyến. |
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2023. Báo cáo được xây dựng từ số liệu khảo sát của 238 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước từ tháng 8 đến tháng 10/2023.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu, tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo thương mại điện tử; và 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.
“Nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường Đại học với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo và thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các tổ chức và doanh nghiệp, mục tiêu tới hết năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục Đại học triển khai đào tạo thương mại điện tử là khả thi”, ông Bùi Trung Kiên chia sẻ.
Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành
Theo đánh giá của VECOM, việc triển khai các văn bản chính sách và pháp luật này chưa đủ mạnh mẽ. Một phần do chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các trường đại học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cũng chưa nắm vững các chủ trương và quy định đã ban hành. Sự hợp tác giữa các bên liên quan còn lỏng lẻo.
Về mục tiêu tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo thương mại điện tử, theo VECOM mục tiêu này mang tính định lượng nhưng còn mơ hồ về chương trình đào tạo, chẳng hạn đào tạo học phần hay chuyên ngành thương mại điện tử tại các ngành nói chung; hay đào tạo ngành thương mại điện tử ở các trình độ tương ứng.
Theo ông Bùi Trung Kiên, nếu coi một cơ sở giáo dục đại học đã có học phần thương mại điện tử trong chương trình đào tạo của một ngành nào đó là đáp ứng mục tiêu trên thì có thể đánh giá tới năm 2025 mục tiêu này có thể đạt được ở trình độ đào tạo đại học.
Theo VECOM hiện chưa có chính sách khuyến khích giảng dạy lĩnh vực thương mại điện tử nào được ban hành hay đang dự thảo. Quyết định số 645/QĐ-TTg không nêu rõ cơ quan, tổ chức nào chủ trì triển khai nhiệm vụ đào tạo kiến thức, kỹ năng thương mại điện tử cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, phát triển mạng lưới giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm về giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử…
Về xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình đào tạo thương mại điện tử cho sinh viên gắn với chuyên ngành cụ thể, có sự tham gia của các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước. Theo VECOM, Quyết định 645 không nêu rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan.
Trên thực tế các trường đại học đều cố gắng mời các doanh nghiệp thương mại điện tử uy tín góp ý chương trình đào tạo, hỗ trợ thực tập, kiến tập của sinh viên... Tuy nhiên, do từng trường triển khai riêng lẻ còn doanh nghiệp phải ưu tiên nguồn lực cho kinh doanh nên kết quả triển khai nhiệm vụ này còn khá thấp.
Đa dạng hoá chương trình đào tạo ngành thương mại điện tử
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Hội đồng tư vấn cấp cao về Thương mại điện tử của VECOM, bên cạnh việc tạo ra bản sắc riêng các trường cũng cần nhanh chóng thiết kế các học phần để nắm bắt hai xu hướng nổi bật của thương mại điện tử trên thế giới cũng như ở nước ta. Đó là xu hướng tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử xuyên biên giới (cross border ecommerce) và bảo vệ môi trường trong kinh doanh trực tuyến.
Trong hai năm 2022 – 2023 xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên hình thức xuất khẩu trực tuyến nói chung và trên nền tảng Amazon nói riêng tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, các trường đại học, đặc biệt là các trường kinh tế, đào tạo ngành thương mại điện tử cần nắm bắt xu hướng phát triển của xuất khẩu trực tuyến, bổ sung các học phần phù hợp vào chương trình đào tạo.
Đồng thời, chương trình đào tạo cũng phải chú trọng hơn tới các học phần liên quan tới ngoại ngữ, thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế, e-Logistics và dịch vụ hoàn tất đơn hàng (Fulfillment Services).
Thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu đã phát triển rất nhanh trong hai thập kỷ qua. Bên cạnh những tác động tích cực tới kinh tế, thương mại điện tử đã bộc lộ những tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội, những tác động này được thể hiện rõ ràng ở các nước có nền thương mại điện tử tiên phong như Trung Quốc hay Hoa Kỳ.
Do đó, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, các trường đại học đào tạo ngành thương mại điện tử, đặc biệt là các trường vừa đào tạo ngành này đồng thời đào tạo các ngành liên quan tới môi trường, cần dẫn đầu trong việc đưa vào chương trình đào tạo học phần về bảo vệ môi trường. Đây cũng là một hướng đi tạo ra sự khác biệt và nâng cao tính cạnh tranh trong tuyển sinh ngành thương mại điện tử.
Hải Yến