Thông tin tại “Hội thảo hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh sáng 4/12, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 2/13 nông sản chủ lực quốc gia được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, gồm nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (do Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu và "Gạo Việt Nam" (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu).
Các sản phẩm nông sản chủ lực còn lại, như: cà phê, tôm, cá tra,... vẫn đang trong quá trình xây dựng.
![]() |
Nhiều nông sản chất lượng cao của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu bảo hộ tại trong nước và quốc tế |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, việc triển khai xây dựng thương hiệu nông sản và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam đang gặp khá nhiều vướng mắc pháp lý và kinh phí.
Đối với thương hiệu "Gạo Việt Nam" (thực hiện theo Quyết định 706/QĐ-TTg), từ đầu tháng 8/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận quốc gia "Gạo Việt Nam - Vietnam Rice" cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu và có hiệu lực trong 10 năm.
Tuy nhiên, ở phạm vi đăng ký quốc tế, đến tháng 10/2021 mới chỉ có 19 quốc gia (chủ yếu là các nước thuộc châu Phi) chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu "Gạo Việt Nam - Vietnam Rice" và 3 quốc gia khác (Trung Quốc, Brunei và Na Uy) thông báo bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù đã được bảo hộ trong nước và ở một số quốc gia, tuy nhiên đến hiện nay nhãn hiệu "Gạo Việt Nam - Vietnam Rice" chưa được cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào để sử dụng. Nguyên nhân là do cơ sở pháp lý quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chưa đầy đủ. Ngoài ra, việc đăng ký bảo hộ ra nước ngoài bị thiếu kinh phí và một số quốc gia chỉ chấp nhận bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường, không bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.
Đối với thương hiệu “Cà phê Việt Nam”, theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, đến nay, đơn vị này đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Cà phê Việt Nam". Nguyên nhân được cho là do thiếu hành lang pháp lý và vướng mắc về hệ thống quản lý tên gọi quốc gia.
Đối với Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ 2020-2030 (thực hiện theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg), theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối 2022, các cơ quan liên quan đã tổ chức được 8 kỳ xét duyệt. Có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp các ngành nghề, lĩnh vực đăng ký tham gia. Trong đó, 325 sản phẩm của 172 doanh nghiệp đã được xét chọn là sản phẩm đạt chuẩn Thương hiệu Quốc gia.
Đối với kết quả xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương, tính đến nay đã có 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm các sản phẩm trồng trọt (hoa quả, thủy sản, dược liệu, cây công nghiệp, lúa gạo…).
Tính đến giữa năm 2023, có 626 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận địa phương; gần 1.900 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Ngoài ra, trên phạm vi cả nước, hiện nay có khoảng 10.300 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, các chủ thể OCOP hiện mới chỉ quan tâm nhiều đến hoàn thiện bao bì sản phẩm, đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa có chiến lược tổng thể trong quản lý và phát triển thương hiệu nông sản bền vững.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/moi-co-2-nong-san-chu-luc-duoc-dang-ky-bao-ho-147029.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.