Mở cửa cho trái phiếu dự án hợp tác công tư Tìm phương thức hợp tác công tư hiệu quả Thủ tướng: Đẩy mạnh hợp tác công tư xây 2 tuyến cao tốc quan trọng |
Trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn, mô hình hợp tác công tư (PPP) được xem là “ngôi sao hy vọng” giúp chia sẻ gánh nặng cho đầu tư công, đặc biệt là sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ 1/1/2021. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều dự án PPP đã phải “quay xe” thành đầu tư công.
![]() |
Doanh nghiệp dự án liên quan đến dự án PPP thường chịu nhiều áp lực |
“Gốc rễ của vấn đề là chưa xây dựng được niềm tin chiến lược trong hợp tác công tư”, TS.LS. Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink, đại diện Nhóm nghiên cứu “Báo cáo rà soát các hợp đồng PPP” mà VCCI và USAID vừa công bố cho biết.
Ông Vinh chỉ ra, trong quan hệ PPP, cơ quan có thẩm quyền là đối tác của tư nhân. “Vì vậy, để có thể có cuộc “hôn nhân” giữa chú rể là Nhà nước và cô dâu là tư nhân, cần có hôn ước điều chỉnh quan hệ này về trục bình đẳng; tìm được điểm cân bằng, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để hai bên đều có thể chấp nhận được”, ông Vinh nói.
Trong thực tiễn đàm phán hợp đồng dự án PPP cho thấy đôi khi cơ quan có thẩm quyền không dùng quyền lực hành chính để áp đặt, mà đơn giản là các cơ quan này “không thể linh hoạt” quyết định những vấn đề mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ. Trong những trường hợp đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thường phải có sự “nhượng bộ” nhất định để có thể đi đến thành công trong việc đàm phán và ký kết hợp đồng.
Hay như xuất phát từ nguyên lý nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được làm những gì luật không cấm, nên trong hợp đồng dự án PPP, phần quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thường rất chặt chẽ kèm theo những chế tài cụ thể nếu có vi phạm. Trong khi đó, quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm và chế tài đối với cơ quan ký kết hợp đồng thường chỉ chung chung, mang tính nguyên tắc hoặc mô tả, dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật có liên quan. Khi xảy ra vi phạm hoặc tranh chấp, việc quy trách nhiệm cho cơ quan ký kết hợp đồng và đòi bồi thường thiệt lại cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là rất khó khăn, phức tạp. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho mô hình đầu tư theo phương thức PPP trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Theo Nhóm nghiên cứu, việc nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều đó chỉ có ý nghĩa khi nguyên tắc này được quán triệt đầy đủ trong mẫu hợp đồng dự án PPP thuộc từng lĩnh vực, cũng như được thể hiện cụ thể trong nội dung các hợp đồng dự án PPP được ký kết. Quan trọng hơn là các cơ quan ký kết hợp đồng đại diện cho Nhà nước cần nhận thức đầy đủ và tôn trọng triệt để nguyên tắc này, đặt mình ở vào vị trí bình đẳng thực sự với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi thương lượng, thỏa thuận và xác lập các quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dự án PPP.
Nhóm nghiên cứu cũng nhìn nhận, việc Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ghi nhận nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng là rất quan trọng và cần thiết, song nó cần phải trở thành nguyên tắc chủ đạo chi phối toàn bộ quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP. Bởi thực tế cho thấy các quyết sách của cơ quan có thẩm quyền hay nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án liên quan đến dự án PPP thường chịu rất nhiều áp lực, tác động của xã hội, dư luận. Đặc biệt, khi xuất hiện các yếu tố khách quan gây khó khăn cho việc thực hiện, triển khai dự án mà ảnh hưởng tới lợi ích cộng đồng thì nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thường là đối tượng chịu thiệt hại nhiều hơn do cơ quan có thẩm quyền khó có thể đưa ra các quyết sách kịp thời, phù hợp để vừa hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án giải quyết vấn đề, trở ngại khách quan nhưng vừa hài hòa được lợi ích của cộng đồng.
Chỉ ra “điểm mờ” trong quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là nguyên tắc được bảo lưu và áp dụng chính sách, quy định ưu đãi hơn khi có sự thay đổi pháp luật sẽ không được áp dụng đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đại diện Nhóm nghiên cứu khuyến nghị để đảm bảo tính ổn định của hợp đồng dự án PPP, tạo yên tâm cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thì pháp luật về PPP cần phải ghi nhận nguyên tắc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được bảo lưu và được hưởng các quy định có lợi hơn trong quá trình thực hiện hợp đồng như một nguyên tắc cốt lõi chi phối hợp đồng dự án PPP.
Ông David Whitehead, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (Auscham) nhìn nhận, muốn quan hệ giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không chỉ là hợp tác mà còn là cặp đôi “kết hôn” trong các dự án PPP, cần tăng cường tính minh bạch từ thông tin, quản lý dự án, hợp đồng, cơ chế thanh toán, chuyển giao tài sản… “Nếu không có sự minh bạch thì khó cho nhà đầu tư tham gia vào hợp đồng PPP”, ông nói.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xay-dung-niem-tin-chien-luoc-trong-hop-tac-cong-tu-146417.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.