Vietcombank – Hành trình hướng tới “Ngân hàng xanh”

Thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của ngành Ngân hàng. Thực hiện nhiệm vụ, NHNN đã xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh thông qua việc ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

“Xanh hóa ngành Ngân hàng” vì mục tiêu phát triển bền vững

Để cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, NHNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay, cấp tín dụng, quản lý rủi ro về môi trường đảm bảo phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường như: Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đồng thời, NHNN đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế xây dựng hướng dẫn các TCTD xác định và thống kê hoạt động cấp tín dụng cho 12 lĩnh vực xanh, ban hành Sổ tay hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế có rủi ro cao về môi trường xã hội,…

Gần đây nhất, NHNN đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước chung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai các chương trình tín dụng xanh thuộc một số ngành, lĩnh vực, như: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp; nhà ở và môi trường,… để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với dòng vốn “xanh”, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.

Vietcombank – Hành trình hướng tới “Ngân hàng xanh”
Tọa đàm “Xanh hóa ngành Ngân hàng” ngày 21/9/2023 tại Hà Nội do NHNN phối hợp với Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tổ chức

Có thể nói, ngành Ngân hàng đã có những chuyển biến rõ rệt trong việc phát triển tín dụng xanh và đa dạng các sản phẩm, dịch vụ nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh.

Vietcombank – Dấu ấn tiên phong trong hành trình xanh hóa

Với mục tiêu xuyên suốt là hướng tới một ngân hàng xanh, phát triển bền vững vì cộng đồng, trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Vietcombank đã tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, đặc biệt đối với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; dự án tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên; dự án xử lý chất thải và phòng, chống ô nhiễm; nông nghiệp xanh; công nghiệp xanh; công trình xanh và giao thông bền vững.

Trong giai đoạn 2018-2021, tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank tăng mạnh qua các năm, từ con số hơn 7.890 tỷ đồng năm 2018 lên đến gần 18.400 tỷ đồng đến hết năm 2021. Đáng nói, năm 2021, tuy bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, nhưng Vietcombank vẫn có tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh ở mức dương và đạt 28% so với cùng kỳ giai đoạn 2019-2020. Vietcombank cũng tiên phong thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc miễn, giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng để giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19 với quy mô lên đến hơn 10.000 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2022, dư nợ cho các dự án xanh tại Vietcombank đã chiếm trên 4% tổng dư nợ của Ngân hàng. Cụ thể, vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm ~87,3%, các dự án quản lý nước bền vững chiếm 7,2%, dự án tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên ~1,3%, xử lý chất thải, phòng chống ô nhiễm ~1,3%, công nghiệp xanh ~1%, nông nghiệp xanh ~1%, công trình xanh và giao thông bền vững ~1%. Đặc biệt, hoạt động tài trợ vốn trung dài hạn cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đã tăng trưởng gần 350% trong năm 2022, thể hiện sự ưu tiên định hướng tín dụng cho các ngành phát triển bền vững tại Vietcombank.

Ngày 29/3/2023, Vietcombank và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã ký kết Hợp đồng tài trợ vốn 300 triệu USD để hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo. Khoản vay sẽ hỗ trợ cho các dự án năng lượng xanh và bảo vệ môi trường tại Việt Nam, một trong những lĩnh vực mà Đảng và Chính phủ rất quan tâm hiện nay.

Vietcombank – Hành trình hướng tới “Ngân hàng xanh”
Đại diện lãnh đạo Vietcombank và JBIC tại Lễ ký kết Hợp đồng tài trợ vốn 300 triệu USD hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo ngày 29/3/2023

Bên cạnh việc trực tiếp dành nguồn lực cho tín dụng xanh, trong năm 2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank Securities thuộc hệ sinh thái Vietcombank đã tư vấn phát hành thành công 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh cho Công ty Tài chính cổ phần Điện lực. Đây là trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên được xác định là trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế tại thị trường Việt Nam. Vietcombank đã và đang không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, tiện ích cho khách hàng, bảo đảm yếu tố bền vững, lâu dài và tác động tốt đến hành trình xanh của quốc gia.

Trong các yếu tố được Vietcombank chú trọng khi phát triển sản phẩm dịch vụ, bên cạnh trải nghiệm khách hàng, tính chính xác, hiện đại, không thể thiếu yếu tố xanh và bền vững, chuyển đổi số nhưng không ảnh hưởng đến môi trường, hạn chế rác thải. Trong đó, nổi bật có thể kể đến sản phẩm VCB Tap to Phone – công nghệ biến điện thoại di động thành máy POS hay thẻ ghi nợ quốc tế phi vật lý VCB DigiCard cho phép thay thế đầy đủ các tính năng của một chiếc thẻ vật lý thông thường. Tất cả các giải pháp của Vietcombank giúp cho khách hàng tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả dịch vụ khi tiết kiệm được nhiều nguồn lực và hạn chế tối đa rác thải từ giấy, thẻ, khí thải sản xuất,…

Cùng với đó, hoạt động an sinh xã hội của Vietcombank không ngừng được đẩy mạnh, triển khai trên quy mô lớn với nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa, tích cực hưởng ứng và thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Hoạt động an sinh của Vietcombank luôn bám sát mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững của Đảng và Chính phủ, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 30a/NQ-CP. Trong giai đoạn 2009-2023, Vietcombank đã dành hơn 3.200 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội và hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn với các chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Các lĩnh vực trọng tâm mà Vietcombank hướng tới là y tế, giáo dục, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, thương bệnh binh... Vietcombank đặc biệt quan tâm hỗ trợ vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hải đảo.

Riêng năm 2021, khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, Vietcombank đã dành 381 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 của ngành y tế và các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất, đồng hành cùng doanh nghiệp theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN trong đại dịch Covid-19; tiên phong cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các ngành công nghiệp mũi nhọn, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm góp phần tái cơ cấu nền kinh tế.

Có thể thấy rõ, trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong khó khăn, thách thức, Vietcombank càng khẳng định vai trò của một ngân hàng chủ lực của nền kinh tế, chia sẻ trách nhiệm to lớn với Chính phủ và cộng đồng, vì sự phát triển chung của xã hội và đời sống nhân dân. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và những hành động thiết thực dành cho tất cả các khách hàng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong thời gian đại dịch diễn ra, Vietcombank hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng ý nghĩa “Ngân hàng hỗ trợ tốt nhất trong thời gian đại dịch Covid-19” do Tạp chí The Asian Banker trao tặng.

Vietcombank – Hành trình hướng tới “Ngân hàng xanh”
Đại diện lãnh đạo Vietcombank trao kinh phí tài trợ tại Lễ phát động đợt cao điểm ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam

Bước vào năm 2023, nhiều hoạt động an sinh xã hội và thiện nguyện cũng đã được Vietcombank thực hiện nhằm hướng tới chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Vietcombank và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động như: “Tết vì người nghèo” trên khắp cả nước với nguồn kinh phí 20,5 tỷ đồng đóng góp từ đoàn viên, người lao động; Chương trình hiến máu nhân đạo “Vietcombank 60 năm: Trao giọt hồng - Trao yêu thương”; Chiến dịch trồng 60.000 cây xanh “Vietcombank - Vì một Việt Nam xanh” tại 60 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, ngày 12/3/2023, Vietcombank đã ra mắt Quỹ học bổng “Vững tương lai” dành cho học sinh, sinh viên thông qua Giải chạy phong trào Vietcombank: “Vạn trái tim - Một niềm tin” được tổ chức trên quy mô toàn quốc.

Vietcombank – Hành trình hướng tới “Ngân hàng xanh”
Ngày 12/3/2023, Vietcombank ra mắt Quỹ “Vững tương lai” hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, tài năng

Những hoạt động an sinh xã hội đã thể hiện giá trị nhân văn, bền vững của Vietcombank với mong muốn được chung tay góp sức cùng Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng cho người dân; tăng trưởng kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, từng bước đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh”.

Nhìn chung, việc tham gia tích cực vào các chương trình an sinh xã hội và hoạt động thiện nguyện không chỉ thể hiện trách nhiệm của Vietcombank mà còn là nguyện vọng chung của toàn thể cán bộ, nhân viên nhằm hướng tới một ngân hàng xanh phát triển bền vững vì cộng đồng, lan tỏa bản sắc nhân văn “Trọng đức, gần gũi, biết cảm thông và sẻ chia”.

Tầm nhìn dài hạn - Viết tiếp chặng đường trở thành “ngân hàng xanh”

Thứ nhất, Vietcombank cần tiếp tục thúc đẩy tín dụng xanh, đi kèm với việc nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ nhân viên. Ngân hàng cần chủ động tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để nâng cao năng lực tài chính, nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng thời hạn dài và lãi suất ưu đãi của các ngành/lĩnh vực xanh.

Đồng thời, Vietcombank cần có kế hoạch và chiến lược đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường cho đội ngũ nhân viên. Đặc biệt đối với bộ phận thẩm định và cấp tín dụng, cần tăng cường huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thẩm định. Cán bộ cần nắm vững kiến thức, am hiểu về lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp để đánh giá đúng năng lực khách hàng, hiệu quả dự án và các rủi ro hiện hữu/tiềm ẩn.

Thứ hai, cần có chiến lược toàn diện để đa dạng hóa các sản phẩm xanh. Vietcombank cần đưa ra chủ trương và kế hoạch hành động cụ thể để phát triển và đưa các sản phẩm xanh đi vào đời sống. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra từng ngày từng giờ, cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên áp dụng các công nghệ mới, công nghệ hiện đại vào các sản phẩm ngân hàng, đáp ứng đa mục tiêu về trải nghiệm khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải.

Thứ ba, Vietcombank cần xúc tiến hợp tác quốc tế với các đơn vị/tổ chức vì mục tiêu tăng trưởng xanh để: (i) tìm kiếm và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho các danh mục tín dụng xanh; (ii) tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ các mô hình ngân hàng xanh trên thế giới; (iii) học hỏi các công nghệ mới để nâng cao hiểu biết và xóa bỏ dần các rào cản kỹ thuật trong công cuộc xanh hóa ngân hàng. Chia sẻ từ các chuyên gia về rủi ro môi trường, tín dụng xanh, ngân hàng xanh từ các quốc gia phát triển sẽ là nguồn vốn quý để Vietcombank tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực, tích cực hòa chung vào xu thế ngân hàng xanh trên thế giới.

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, lan tỏa hình ảnh và thông điệp ngân hàng xanh của Vietcombank. Ngân hàng nên sử dụng phối hợp nhiều kênh thông tin để truyền bá, tiếp cận nhiều mục tiêu và nâng cao độ nhận diện. Cần tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ để giúp doanh nghiệp nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường – xã hội và nắm được chủ trương, cách tiếp cận các dòng vốn ưu đãi cho các chương trình/dự án xanh, góp phần tăng trưởng tín dụng xanh. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng cần tích cực tuyên truyền và thực hành giảm thiểu rủi ro môi trường – xã hội ngay từ trong các hoạt động nội bộ và cả hoạt động cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội của một ngân hàng xanh.

Qua 60 năm phấn đấu không ngừng, Vietcombank đã và đang khẳng định vị thế của ngân hàng tiên phong trên hành trình trở thành một ngân hàng xanh, phát triển bền vững vì cộng đồng, chung tay cùng với toàn ngành Ngân hàng để triển khai thành công chiến lược quốc gia về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Thương hiệu Vietcombank không chỉ được biết đến với tư cách là ngân hàng thương mại hàng đầu mà còn là một ngân hàng vì cộng đồng, của cộng đồng.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/vietcombank-hanh-trinh-huong-toi-ngan-hang-xanh-146275.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.