Bà Rịa - Vũng Tàu thúc đẩy đầu tư số hóa di sản văn hóa
15:08 | 09/11/2023
Toàn bộ các di sản văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được số hóa để quản lý và quảng bá du lịch. Số lượng khách tham quan truy cập thông tin di sản văn hóa qua mã QR tăng nhanh trong các tháng vừa qua.
Mới đây UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình: "Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn địa phương.
Theo đó, tỉnh này dự kiến sẽ đầu tư xây dựng phần mềm quản lý di sản kết nối với các hệ thống thông tin dùng chung của địa phương và tích hợp vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa.
Toàn bộ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các di sản tư liệu cấp tỉnh và cấp Quốc gia tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được số hóa để quản lý và quảng bá du lịch. Trong đó, tích hợp hệ thống trợ lý ảo và thuyết minh tự động và sử dụng clip giới thiệu, mô hình định vị 3D… nhằm phục vụ công chúng và khách tham quan.
Theo kế hoạch, ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ bố trí để các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn triển khai các hoạt động: xây dựng phần mềm, tạo lập dữ liệu, quản lý vận hành, đảm bảo an toàn bảo mật và nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách lĩnh vực này.
![]() |
Khách tham quan quét mã QR truy cập thông tin về di tích văn hóa tại TP. Vũng Tàu. Ảnh: Đăng Khoa |
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến cuối tháng 10/2023 trên địa bàn tỉnh này, đã có 170 di tích, danh thắng, điểm tham quan, du lịch được số hóa; 48 điểm danh thắng, di tích ở địa phương đã được gắn mã QR trước mỗi điểm đến để du khách quét mã truy cập thông tin.
Năm nay, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang chạy thử nghiệm 122 điểm trên cổng thông tin điện tử https://sodl.baria-vungtau.gov.vn để các tổ chức, cá nhân, địa phương quản lý trực tiếp điểm đến rà soát nội dung, hình ảnh… trước khi công bố vận hành chính thức vào đầu năm 2024.
Được biết, trên địa bàn TP. Vũng Tàu hiện đang có 18 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, trong đó có 15 di tích cấp Quốc gia. Các di tích này được phân loại thành 3 nhóm: di tích lịch sử, di tích lịch sử cách mạng và di tích kiến trúc nghệ thuật gắn liền với tôn giáo và tín ngưỡng.
Theo đánh giá của UBND thành phố Vũng Tàu thì trong số 18 các di tích này, có 9 di tích đang thu hút và phục vụ thu hút khách du lịch như Thích ca Phật đài, Trận địa pháo cổ và Hầm thủy lôi; Di tích Niết bàn Tịnh xá, Chùa Linh Sơn, Đình thần Thắng Tam, Chùa Phước Lâm, Nhà lớn Long Sơn, Bạch Dinh và Trụ sở Ủy ban Việt Minh (số 01 Ba Cu). Các di tích đang phát huy giá trị và thu hút đông đảo khách tham quan, bao gồm Di tích Đình thần Thắng Tam, Di tích Nhà lớn Long Sơn, Di tích Đình thần - Miễu Bà và Chùa Long Sơn, Di tích lịch sử Cách mạng ngôi nhà 42/11 (nhà má Tám Nhung).
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ trong hai tháng vừa qua (tháng 9 và 10/2023) đã có hơn 8.300 lượt truy cập hệ thống mã QR trực tiếp tại vị trí gắn bảng mã QR và gián tiếp qua mạng xã hội (zalo, facebook), website Sở Du lịch. Một số địa điểm có lượt truy cập cao như: Di tích lịch sử văn hóa An Sơn Miếu, Đức Mẹ Bãi Dâu, Công viên Tượng đài Võ Thị Sáu, Di tích lịch sử nhà lưu niệm Võ Thị Sáu, Di tích lịch sử danh thắng Chùa Núi Một, Mộ Cô, Di tích lịch sử Dinh Chúa đảo…
Thạch Bình