![]() |
Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại diễn đàn. |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết đô thị hóa là tất yếu, là động lực phát triển quốc gia, vai trò của đô thị đã được nhìn nhận không chỉ là nơi cung cấp không gian sống có chất lượng cho người dân mà còn là nơi tập trung các nguồn lực, các cơ hội, các giải pháp đột phá, mang tính đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, đô thị hóa và phát triển đô thị Tại Việt Nam đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.
TS. Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho biết chất lượng đô thị từng bước được nâng cao theo hướng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng…
Tuy nhiên, theo TS. Trần Quốc Thái, quá trình đô thị hóa, quản lý phát triển đô thị còn những hạn chế như các đô thị trong hệ thống đô thị Việt Nam còn thiếu tính liên kết, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị bị quá tải ở các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, hệ thống các công trình hạ tầng xã hội còn thiếu, thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn, phát triển mới mật độ thấp, chưa gắn kết với hệ thống hạ tầng đô thị. Các khu vực dân cư cũ trong đô thị còn chậm được cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển.
Hệ thống không gian công cộng đô thị có chất lượng cải tạo thấp, chưa góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống của cư dân và tăng sức hút của đô thị. Khai thác không gian ngầm, công trình ngầm còn rất hạn chế, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.
Đặc biệt, theo TS. Trần Quốc Thái, các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh về phát triển đô thị còn rời rạc, chủ yếu là các văn bản ở cấp dưới Luật.
Có cùng quan điểm trên, ông Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng chất lượng đồ án qui hoạch đô thị chưa cao. Phát triển đô thị theo mô hình dự án khu đô thị mới đã xuất hiện những điểm yếu như thiếu tính tổng thể, không đồng bộ về kết nối hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, có nguy cơ suy thái chất lượng môi trường, cảnh quan.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhà ở, đất ở quá nóng nhưng không có các công cụ tài chính hữu hiệu đi kèm đã làm cho việc phát triển đô thị bị biến tướng, không phục vụ cho nhu cầu nhà ở mà chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đầu cơ, tích tụ đất của một bộ phận nhỏ người giàu trong xã hội…
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đã thẳng thắn nêu ra những bất cập trong phát triển đô thị, trở thành đề bài để tập trung giải quyết trong quá trình đô thị hóa thời gian tới như tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỉ lệ bình quân của khu vực và thế giới.
Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn.
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.
Theo xu hướng chung, đô thị được dự báo là không gian sống cho hơn 2/3 dân số trên thế giới và sẽ là không gian sống chủ yếu tại Việt Nam trong thời gian tới, nhưng sẽ phải đảm nhận được vai trò là một không gian sống tích cực hơn.
Nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị ở nước ta, ông Trương Văn Quảng cho rằng cần đổi mới phương pháp lập quy hoạch phù hợp với từng loại đô thị, đổi mới quy trình lập quy hoạch, đổi mới nội dung quy hoạch, nâng cao tính pháp lý, chất lượng quản lý và đội ngũ tư vấn.
Quy trình các bước lập quy hoạch linh hoạt theo từng loại đô thị. Cần thực hiện phương pháp lồng ghép, tích hợp, căn cứ vào vấn đề cần giải quyết của từng đô thị, yêu cầu của mỗi đô thị để xây dựng quy trình các bước lập quy hoạch để giải quyết vấn đề đặt ra.
Cũng theo ông Quảng, nội dung quy hoạch đô thị phải đảm bảo tính chiến lược, có tầm nhìn, đảm bảo tính tích hợp, hợp nhất đa ngành; sát nhu cầu, năng lực thật sự của đô thị, tránh dàn trải; xác định được rõ nguồn lực thật sự theo qui luật thị trường, dựa trên lợi ích của của các bên liên quan...
Theo TS. Trần Quốc Thái, cần có quy định các tiêu chuẩn chất lượng sống tại đô thị, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm cấp quốc gia với đô thị vùng và khu vực nông thôn.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phat-trien-do-thi-tai-viet-nam-con-nhieu-bat-cap-146113.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.