Xuất nhập khẩu có chút khởi sắc Xuất siêu lớn, nhưng lo hơn mừng |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 10 tháng năm 2023 đã vượt mốc 550 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này cho thấy, mặc dù xuất khẩu giảm, song nhập khẩu cũng giảm với tốc độ nhanh hơn nên nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại. Hiện cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu kỷ lục 24,61 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với con số thặng dư 9,4 tỷ USD của cùng kỳ năm 2022 và là con số kỷ lục từ trước đến nay.
Thành tích xuất siêu trong những năm qua đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cũng như góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, vừa giúp ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá, vừa nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
![]() |
Xuất siêu lớn cho thấy ngành sản xuất trong nước đang tiếp tục đối mặt với khó khăn |
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương từng nói, nếu xuất siêu lớn là do xuất khẩu tăng thì là điều đáng mừng, nhưng xuất siêu do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu trong khi cả hai đều giảm thì lại đáng lo.
Về điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam cần phải đa dạng hóa không những thị trường xuất khẩu, mà còn cả thị trường nhập khẩu.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thì nhấn mạnh, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến việc xuất khẩu tại chỗ, như phát triển mạnh ngành du lịch vì nó mang lại nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia, tương tự như hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Đối với thị trường nhập khẩu, theo các chuyên gia, Việt Nam cần thúc đẩy sản xuất trong nước; cần tiếp tục cắt thêm hoặc giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, hoặc mạnh dạn giãn, giảm, cắt thuế doanh nghiệp với một số mặt hàng chiến lược; thực hiện đồng bộ các giải pháp như xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra...
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Thắng - chủ một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần đầu tư đổi mới công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về đăng ký bảo hộ thương hiệu, quyền sở hữu công nghiệp cho hàng hóa xuất nhập khẩu, chuyển đổi số... Doanh nghiệp cũng rất mong các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu như sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng... sẽ được tạo điều kiện về thủ tục hành chính và chính sách ưu đãi hơn nữa.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xuat-sieu-dat-ky-luc-ma-van-lo-146060.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.