![]() |
Các cuyên gia cho rằng, chính sách lãi suất của Việt Nam đã hỗ trợ tích cực cho kinh tế cũng như TTCK |
Đánh giá về kinh tế, lãi suất, sự ổn định về tỷ giá và lạm phát ở Việt Nam, TS. Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh rất nhiều nước trên thế giới đã phải chịu đựng lạm phát cao và kéo dài trong suốt thời gian vừa qua, mức lạm phát của Việt Nam hiện nay được dự tính cho cả năm 2023 sẽ thấp hơn so với mục tiêu, có khả năng dưới 4%.
Về lãi suất, đã 4 lần liên tiếp chúng ta giảm lãi suất điều hành trong năm 2023 và xác lập một mặt bằng lãi suất tương đối ổn định trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để đối phó với lạm phát. Như vậy, chính sách lãi suất của Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho kinh tế cũng như cho thị trường. Bên cạnh đó, biến số về tỷ giá hối đoái cũng được xác lập cho đến hết tháng 9/2023 thì mức biến động chỉ hơn 2% trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới thậm chí đồng tiền nội tệ của họ mất giá lên tới hàng chục %, đây cũng là một ưu điểm của chúng ta.
Điểm nữa, các cân đối lớn của nền kinh tế Việt Nam cũng đang rất tích cực trong 9 tháng năm 2023 và dự tính cho cả năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư tới trên 20 tỷ USD. Đây là một mức kỷ lục và nhờ thặng dư cán cân thương mại này cộng với việc tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI, chúng ta có cán cân thanh toán tổng thể hiện nay đã ở mức dương hơn 3 tỷ USD. Ngoài ra, chúng ta cũng đã có những biện pháp để khắc phục sự suy giảm của thị trường tài chính, đặc biệt đối với một số sản phẩm về trái phiếu DN.
Nói về lãi suất, tỷ giá và lạm phát, ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF) cho biết, ba yếu tố này có sự tác động qua lại lẫn nhau, mặc dù đôi khi có độ trễ nhất định. Với lãi suất, vừa qua 4 ngân hàng quốc doanh lớn đã đưa mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân về mức 5,3%, đây là mức thấp nhất trong nhiều năm. Lãi suất cho vay cũng đã giảm đáng kể. Theo quan sát, một số ngân hàng đang cho vay mua nhà với mức lãi suất cố định trong 1 - 2 năm đầu khoảng 8,5%, lãi suất cho vay vốn lưu động ở mức khoảng 5%. Đây là yếu tố rất tích cực cho tiêu dùng và đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới.
“Môi trường lãi suất thấp sẽ gây áp lực lên lạm phát. Nhưng theo tôi quan sát thì đây chưa phải là điều đáng lo, ít nhất là trong vài quý tới, vì tổng cầu trong nước còn yếu. Chúng ta có thể thấy điều này qua mức tăng trưởng GDP khá khiêm tốn trong quý III vừa qua. Tăng trưởng tín dụng cũng đang ở mức thấp mặc dù có cải thiện trong 1 - 2 tháng gần đây”, ông Vinh trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8.
Về tỷ giá, ông Vinh cho rằng áp lực lên tiền đồng đã gia tăng đáng kể trong các tháng gần đây. Đây cũng là điều dễ hiểu vì trong khi Việt Nam đang duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì Mỹ lại đang tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kìm hãm lạm phát. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tương quan cung - cầu đồng nội tệ và ngoại tệ. Do đó, để hỗ trợ đồng nội tệ và tránh tình trạng đầu cơ, trong khoảng 2 tuần, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn với tổng giá trị 185.700 tỷ đồng tính đến ngày 12/10/2023 để giảm lượng VND dư thừa trong hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, ông cho rằng tỷ giá cũng sẽ được hỗ trợ tích cực từ thặng dư thương mại gần 22 tỷ USD và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài gần 16 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.
Đánh giá tác động của chính sách lãi suất cao đã khiến đồng USD tăng giá và tác động đến nền kinh tế cũng như TTCK của Việt Nam, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng với giả định thế giới không có biến động quá lớn trong những tháng tới, đặc biệt là quý IV, chúng ta sẽ tiếp tục xu thế là quý sau cải thiện hơn quý trước và như vậy tình hình sẽ lạc quan hơn. TTCK theo đó cuối năm 2023 sẽ tiếp tục có những diễn biến theo xu hướng tích cực cùng với xu hướng của kinh tế tăng trưởng, đặc biệt là sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang được hỗ trợ rất tích cực bởi những sự quan tâm ngày càng gia tăng.
Gần như tất cả các dự báo của các tổ chức quốc tế cũng như các tổ chức và cá nhân có uy tín ở trong nước đều đánh giá năm 2024, chúng ta sẽ tốt hơn so với năm 2023 và như vậy kỳ vọng TTCK năm 2024 cũng sẽ tốt hơn.
Ông Nguyễn Triệu Vinh cho rằng với điều kiện vĩ mô hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục trong thời gian tới. Với mức tăng trưởng GDP đáng khích lệ nhưng còn khá thấp trong quý III, nhiều khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.
Về mặt tài khoá, giải ngân đầu tư công đã hoàn thành 51,3% mục tiêu Chính phủ tính đến cuối tháng 9, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử tỷ lệ giải ngân đạt hơn 50% trong 9 tháng. Giải ngân đầu tư công dự kiến sẽ tăng tốc hơn nữa trong quý cuối cùng của năm. Một động lực tăng trưởng kinh tế khác là ngành du lịch đã phục hồi nhanh chóng với lượng khách quốc tế trong 9 tháng đã vượt mục tiêu cả năm và đạt 69,0% so với cùng kỳ trước Covid và có triển vọng tích cực...
Nhưng kinh tế Việt Nam cũng còn phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là triển vọng kém khả quan của tổng cầu trên thế giới. Ở Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tình hình kém khả quan do chính sách tiền tệ thắt chặt. Tương tự tại châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa tăng lãi suất trong tháng 9 do áp lực lạm phát còn cao. Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, cũng đang phải đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế ảm đạm.
Trong bối cảnh như vậy, đối với TTCK, với mức điều chỉnh khoảng 9,2% kể từ ngày 8/8/2023, định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn với mức P/E trượt của VN-Index là khoảng 14,4 lần. Do thu nhập DN được dự báo sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024 khi kinh tế hồi phục, định giá của TTCK dựa vào lợi nhuận năm 2024 còn hấp dẫn hơn với mức P/E 10,8 lần, thấp hơn nhiều so với mức P/E bình quân trung của chỉ số trong 15 năm qua là 14,5 lần.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp có lợi cho nhu cầu đầu tư vào các loại tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu.
“Chúng tôi yêu thích các công ty duy trì đà tăng trưởng doanh thu lợi nhuận ngay cả trong điều kiện kinh tế gặp nhiều thách thức như một số công ty trong ngành công nghệ thông tin, dịch vụ tiện ích và dược phẩm. Một số cổ phiếu ngân hàng có định giá hấp dẫn, cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng cũng là sự lựa chọn phù hợp. Nhìn chung, đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư phân bổ một phần tài sản của mình nhà đầu tư cổ phiếu và đầu tư với tầm nhìn trung và dài hạn. Nhưng nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ các công ty trước khi ra quyết định đầu tư và nếu không có đủ thời gian hoặc chưa tích lũy đủ kiến thức phân tích đầu tư thì có thể đầu tư thông qua các quỹ mở được quản lý bởi các đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp”, ông Vinh khuyến nghị.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chon-co-phieu-nao-khi-chinh-sach-lai-suat-cao-khien-dong-usd-tang-gia-145920.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.