Ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất Ngân hàng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu |
Cùng địa phương phát triển sản phẩm chủ lực
Ông Phạm Văn Trịnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho biết, tính đến giữa tháng 10, ngành Ngân hàng tại địa phương này đã 3 lần tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Theo đó, NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo hệ thống TCTD tiếp tục tập trung tăng trưởng tín dụng mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như: nuôi trồng chế biến thủy sản; trồng, sơ chế thanh long xuất khẩu; phát triển các mô hình du lịch biển.
Bên cạnh trực tiếp kết nối với khách hàng để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đồng thời tăng cường giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất như: gói 40.000 tỷ đồng (cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, HTX), gói 15.000 tỷ đồng (cho vay lãi suất thấp đối với lâm, thủy sản), gói 120.000 tỷ đồng (cho vay nhà ở xã hội)…
Thống kê sơ bộ cho thấy, đến hiện nay, trong tổng số 83.600 tỷ đồng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có khoảng 30% được các TCTD cho vay vào các chương trình ưu đãi lãi suất (lãi vay từ 5-9%/năm), hơn 50% khoản vay được đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của tỉnh như cây thanh long, du lịch biển, thủy hải sản có dư nợ đạt hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tại Tiền Giang, bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh cho hay, trong 10 tháng đầu năm, ngành Ngân hàng tỉnh này cũng đã tổ chức 4 đợt kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Theo đó, NHTM tập trung tháo gỡ những nút thắt về vốn vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh như cây ăn trái, lúa gạo, chế biến nông sản, vận tải đường sông, du lịch sinh thái…
Đơn cử, đối với cây ăn trái, các NHTM tại Tiền Giang đã kết nối, cho vay hàng chục nghìn tỷ đồng đối với các doanh nghiệp, HTX, hộ trồng sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, dứa Tân Phước. “Các lĩnh vực ưu tiên và xuất khẩu nông sản cũng được hệ thống TCTD cho vay mỗi tháng hàng chục ngàn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp nhóm này luôn cao hơn so với các lĩnh vực khác”, bà Đậm cho biết.
Tại Đồng Tháp, các lĩnh vực thu hút mạnh mẽ nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng là lúa gạo và nuôi trồng chế biến thủy sản. Ông Vương Trí Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho hay, từ khi Chính phủ và NHNN chỉ đạo các TCTD thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, chi nhánh NHNN địa phương đã liên tục tổ chức các buổi đối thoại kết nối giữa hệ thống NHTM với doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Đến hiện nay, có khoảng 22.200 hồ sơ của khách hàng, doanh nghiệp đăng ký vay vốn sau các buổi kết nối được các ngân hàng tiếp nhận và giải quyết cho vay. Các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra, cá basa; chế biến xuất khẩu lúa gạo đều đạt dư nợ từ 13.000-15.000 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn vốn cho vay ưu đãi đang rất dồi dào |
Vốn giải ngân vượt xa cam kết
Tăng trưởng tín dụng năm nay chậm lại do khả năng hấp thụ vốn yếu hơn mọi năm do kinh tế khó khăn. Vì thế hệ thống ngân hàng càng phải tích cực thực hiện các hoạt kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh hàng trăm ngàn tỷ đồng được cam kết cho vay tại các hội nghị kết nối, các ngân hàng còn thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng, giảm lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ, tăng hạn mức cho vay.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng tham gia chương trình kết nối của thành phố đã giải ngân được 541.000 tỷ đồng, vượt 48.000 tỷ đồng so với cam kết từ đầu năm. “Các tháng cuối năm nguồn vốn cho vay lãi suất ưu đãi sẽ rất dồi dào”, ông Lệnh cho biết thêm.
Ở các địa phương khác vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tại các hội nghị kết nối, ngân hàng các địa phương cũng cam kết cho vay hàng trăm tỷ đồng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có thế mạnh. Đơn cử tại Tây Nguyên, các chi nhánh NHNN và hệ thống NHTM cam kết sẽ phối hợp với chính quyền các tỉnh trong khu vực nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tăng cho vay lĩnh vực trồng, chế biến, xuất khẩu cà phê.
Bên cạnh đó, tại các tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Dương các NHTM cam kết sẽ thúc đẩy giải ngân mạnh nguồn vốn ưu đãi lãi suất từ gói tín dụng gói 120.000 tỷ đồng để cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đồng thời tăng tốc cho vay các gói hỗ trợ vốn lưu động kinh doanh cuối năm. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, theo ghi nhận, các quý đầu năm vừa qua mỗi địa phương đã kết nối cho vay hàng chục nghìn tỷ đồng đối với lĩnh vực lúa gạo, chế biến thủy hải sản, phát triển cây ăn trái xuất khẩu. Dự báo, trong quý cuối năm các doanh nghiệp lĩnh vực này tại Sóc Trăng, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang… sẽ có thể tiếp cận thêm từ 2.000-5.000 tỷ đồng vốn lãi suất ưu đãi thông qua việc chủ động kết nối và tháo gỡ các vướng mắc của hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, dòng vốn lãi suất thấp trong các tháng còn lại của năm 2023 sẽ đảm bảo đáp ứng khá tốt nhu cầu của doanh nghiệp tại các địa phương.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/gia-tang-ket-noi-ho-tro-doanh-nghiep-145791.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.