Nền kinh tế địa phương gặp khó khăn
Từ đầu năm 2023 đến nay, nền kinh tế Quảng Nam phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, theo số liệu từ Cục Thống kê Quảng Nam, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ở địa phương ước tính 9 tháng năm 2023 giảm 8,76% so với cùng kỳ năm 2022 (tính riêng quý III giảm 7,2%).
Với mức sụt giảm 8,76%, Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ hai so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; thấp nhất so với 5 tỉnh, thành kinh tế trọng điểm miền Trung.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng giảm hơn 23%, riêng công nghiệp giảm hơn 25%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%; nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 9,0%... Bên cạnh đó, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu 9 tháng đạt hơn 2,7 tỷ USD, cũng giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hơn 1,3 tỷ USD, giảm 20,8% và kim ngạch nhập khẩu hơn 1,4 tỷ USD, giảm 35,4%.
Đặc biệt, trong thời gian qua tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường xuất khẩu thu hẹp, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao… tình hình đặc biệt khó khăn với một số lĩnh vực như, thủy sản, bất động sản hay dệt may, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, vốn là thế mạnh của Quảng Nam trong thời gian qua.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tam Thăng và Khu công nghiệp Bắc Chu Lai đều đang bị ảnh hưởng, một số dự án ngành dệt may bị sụt giảm đơn hàng dẫn đến giảm nhu cầu sử dụng lao động…
Theo nhận định, nguyên nhân chính khiến nền kinh tế của Quảng Nam phục hồi chậm là do lĩnh vực công nghiệp - ngành kinh tế chủ lực ở địa phương, đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô một thế mạnh của Quảng Nam, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ô tô trong thời gian qua đang có phần ảm đạm…
![]() |
Ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô một thế mạnh của Quảng Nam, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ô tô trong thời gian qua đang có phần ảm đạm |
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Quảng Nam từ đầu năm 2023 đến nay chính là lĩnh vực du lịch. Theo đó, lượng khách tham quan và lưu trú trong 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ, với hơn 6,4 triệu triệu lượt khách. Lượng khách quốc tế tăng mạnh với hơn 3 triệu lượt khách, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu du lịch đạt 6.590 tỷ đồng...
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong bối cảnh nhiều khó khăn đó, thời gian qua ngành Ngân hàng trên địa bàn Quảng Nam đã nỗ lực đồng hành cùng nền kinh tế địa phương, đặc biệt cùng đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương vượt qua khó khăn.
Cụ thể, các TCTD ở địa phương đã thực hiện nghiêm các quy định của NHNN về lãi suất tiền gửi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm nhận tiền theo quy định của NHNN; Tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh theo văn bản số 4985/NHNN-CSTT. Đồng thời, tích cực triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp...
Ứớc đến 30/9/223, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt 104.000 tỷ đồng, tăng 5,78% so với đầu năm và tăng 13,39% so cùng kỳ. Trong đó, tín dụng ngắn hạn chiếm tỷ trọng 58,72%; tín dụng trung dài hạn chiếm 41,28% tổng dư nợ. Dư nợ phân theo ngành kinh tế: Dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt 9.962 tỷ đồng, chiếm 9,58%; ngành công nghiệp và xây dựng đạt 28.753 tỷ đồng, chiếm 27,65%, ngành dịch vụ đạt 65.284 tỷ đồng, chiếm 62,77%...
Đặc biệt, theo ông Phạm Trọng, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Nam, thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như, tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch... Trên thực tế, chương trình kết nối này đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở địa phương tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, từng bước vượt qua thời điểm khó khăn.
Các TCTD tiếp tục thực hiện quyết liệt chính sách hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN. Đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 168 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt trên 1.436 triệu đồng cho 14 khách hàng.
![]() |
Các TCTD trên địa bàn Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở địa phương tiếp cận nguồn vốn ngân hàng |
Bên cạnh đó, để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng, các NHTM trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Đến nay, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) đã được TCTD trên địa bàn cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 716,16 tỷ đồng. Trong đó, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng 13,22 tỷ đồng và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh 702,94 tỷ đồng, cho 163 lượt khách hàng được cơ cấu…
Bám sát chỉ đạo của NHNN và tình hình thực tế tại địa phương, cũng theo ông Phạm Trọng, thời gian đến NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023 tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN và Chỉ thị số 02/CT-NHNN của NHNN; Phối hợp với sở ngành trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN; Nghị định 36/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội; Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực Lâm sản, thủy sản.
Đồng thời, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid - 19 và thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN...
Trong khi đó, đối với các TCTD tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, thế mạnh của địa phương; Tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; Đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ở Quảng Nam tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn ngân hàng. Đồng thời, tập trung cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch với ngân hàng...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dong-hanh-voi-doanh-nghiep-xu-quang-145763.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.