Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, tín hiệu khả quan trong hai tháng tháng 9 và 10/2023, một số ngành xuất khẩu chủ lực tăng tốc sản xuất cho các đơn hàng mới dịp cuối năm và qua năm sau, kéo theo kim ngạch xuất khẩu tăng, tạo đà cho phát triển sản xuất vào quý còn lại của năm 2023.
![]() |
Lãnh đạo ngành công thương tỉnh Bình Dương tăng cường nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất những tháng cuối năm 2023 |
Thực vậy, theo ghi nhận của ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Công ty TBS Logistics, số lượng hàng hóa đi về qua các kho đã bắt đầu tăng. Đây là tín hiệu của hoạt động sản xuất tăng và tăng trưởng kinh tế.
“Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dự báo tăng cao dịp cuối năm sẽ mở ra hy vọng thúc đẩy sản xuất cũng như góp phần tăng trưởng cho ngành dịch vụ logistics thời gian tới”, ông Hà cho biết.
Là một trong những ngành chủ lực của tỉnh Bình Dương về kim ngạch xuất khẩu, ngành sản xuất chế biến gỗ trong những tháng qua gặp nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh dự ước đạt 583,2 triệu đô la Mỹ, tăng 15,7% so với tháng trước.
Nhận định thêm về tín hiệu tích cực của ngành gỗ trên địa bàn, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết từ tháng 10 trở đi, các doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn đã triển khai các đơn hàng được ký kết, dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ được cải thiện thời gian tới. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng tìm kiếm đơn hàng thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; xúc tiến vào các thị trường mới để có thêm đơn hàng mới.
Đối với ngành dệt may, bà Phan Lê Diễm Trang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, cho biết ngành dệt may phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu dùng thế giới, nhất là một số thị trường xuất khẩu truyền thống lớn của Việt Nam như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... khi những thị trường này gặp khó, đã kéo theo kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ. Tuy vậy, từ tháng 8 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ghi nhận giá trị cao nhất từ đầu năm, trong đó, tháng 9 tăng hơn 19% so với tháng trước. Dự báo những tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ tăng lên.
Các hiệp hội ngành nghề tỉnh Bình Dương (gỗ, dệt may, cơ điện) và doanh nghiệp đã ký được một số đơn hàng mới, hợp đồng sản xuất, xuất khẩu đến quý IV/2023. Điều này được ghi nhận qua việc từ tháng 9/2023, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục hoạt động trở lại với việc tuyển dụng thêm công nhân lao động sản xuất để giao cho khách hàng từ quý I/2024.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết dự báo từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 - 12.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề, lao động phổ thông chiếm khoảng 70%, còn lại là lao động có trình độ chuyên môn. Nhu cầu tuyển lao động trong những tháng cuối năm chủ yếu để bổ sung nguồn lực hao hụt và một số ít nhằm phục vụ mở rộng sản xuất.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết đã thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng để nắm tình hình sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ ổn định và duy trì sản xuất, kinh doanh.
Hơn thế, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tỉnh Bình Dương đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan tham tán thương mại nước ngoài thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong, ngoài nước để giúp doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đồng thời ký kết thêm các đơn hàng xuất khẩu mới, cũng như thúc đẩy tiêu thụ nội địa giảm tồn kho cho doanh nghiệp.
Cụ thể hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đã tích cực triển khai giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ. Triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp của ngành công thương, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
Đồng thời, ngành công thương tỉnh Bình Dương sẽ triển khai các giải pháp cụ thể với định hướng thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thể so sánh, phát triển thương hiệu, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương thâm nhập sâu vào các hệ thống phân phối nước ngoài.
“Là thành viên của Tổ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp của tỉnh, trong quá trình giải quyết các nhiệm vụ được giao, Sở kịp thời báo cáo hàng tuần những khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực ngành phụ trách về Sở Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh ủy giải quyết. Sở thường xuyên nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đầu tư trong nước”, bà Hà nói.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/binh-duong-nhieu-giai-phap-de-doanh-nghiep-tang-toc-san-xuat-nhung-thang-cuoi-nam-145516.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.