Thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực số: Lời giải cho bài toán nan giải
11:14 | 18/10/2023
Trước làn sóng kinh tế số, xã hội số đang ngày càng phát triển thì nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam liên tục tăng cao. Dự báo đến năm 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150 nghìn - 195 nghìn lập trình viên/kỹ sư hàng năm.
Phát triển nguồn nhân lực số: Nhân tố tiên quyết cho cuộc cách mạng công nghệ Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực số |
Trong khi đó, làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội khiến cho thị trường lao động công nghệ thông tin Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Việt Nam đang thu hút các công ty công nghệ thông tin lớn trên thế giới và trong khu vực đầu tư, nên các hoạt động tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm, dịch vụ được đẩy mạnh.
Dù được săn đón với mức lương hấp dẫn nhưng nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển của ngành. Sự thiếu hụt này xuất phát từ chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hiện nay chỉ có 35% sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, số còn lại phải đào tạo lại.
Trường Đại học CMC chính là địa chỉ để bù đắp những chênh lệch về trình độ chuyên môn cho các bạn sinh viên, cũng như tăng khả năng phát triển của các em trong tương lai gần.
GS.TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Hội đồng Trường cho biết, CMC là một trường đại học có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ thông qua phương pháp đào tạo tập trung và nâng cao khả năng tư duy, đổi mới, sáng tạo, khả năng tương tác… cho sinh viên. Nếu được đào tạo tốt tại trường, các sinh viên sẽ góp phần thay đổi cuộc sống theo hướng hiện đại hơn và họ chính là thế hệ lãnh đạo trong tương lai ở mọi lĩnh vực.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ, Trường Đại học CMC đang dần định hình rõ nét hơn là một trường đại học số, hướng tới mục tiêu trở thành trường đại học hàng đầu châu Á, nằm trong top đầu thế giới về một số ngành khoa học, công nghệ mới vào năm 2033 và trở thành đại học đẳng cấp thế giới vào năm 2043. Trong 2 năm học vừa qua, trường Đại học CMC đã chào đón 345 sinh viên Khóa 1 và 1.000 sinh viên Khóa 2 theo học 6 ngành đào tạo hệ cử nhân là công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Quản trị kinh doanh, Thiết kế đồ họa, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc.
Trong năm học 2024, trường Đại học CMC dự kiến mở thêm ngành, chuyên ngành thiết kế vi mạch nhằm cung cấp nhân lực thiết kế vi mạch theo tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và của thị trường toàn cầu.
Theo PGS-TS. Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC, công nghệ thông tin là nhóm ngành đang có xu hướng phát triển và nhu cầu nhân lực rất cao và luôn nằm trong top đầu những ngành có thu nhập cao. Thời điểm hiện tại, Việt Nam có hơn 100 trường đại học đào tạo công nghệ thông tin. Mỗi năm các trường chỉ cung cấp 50 nghìn kỹ sư, trong khi dự kiến thị trường đang thiếu 190 nghìn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin và dự kiến trong 10 năm tới vẫn rất thiếu hụt. Đặc biệt, trong những thời kỳ khủng hoảng như đại dịch Covid-19, nguy cơ chiến tranh hay biến đổi khí hậu, ngành nghề này lại càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của mình.
Với mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo đầu ra cho các sinh viên đang học tập và nghiên cứu tại trường, vì vậy trường Đại học CMC đã tổ chức ký kết các văn bản ghi nhớ (MOU) với 4 đối tác nhằm đồng hành cùng trường triển khai 4 mảng công tác trọng tâm của năm học 2023-2024, bao gồm: Công ty TNHH CMC Global nhằm tăng cường đào tạo gắn với thực tiễn theo định hướng ứng dụng, đưa doanh nghiệp tham gia đào tạo ngay từ khâu xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Công ty TNHH Synopsys Việt Nam nhằm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch chuẩn quốc tế theo chủ trương của Chính phủ; Trường Đại học Gwangju nhằm thúc đẩy và hỗ trợ sinh viên của Trường Đại học CMC khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo và công nghệ trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp mang tên LINC 3.0 do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ; Công ty cổ phần Navigos Group Việt Nam nhằm hướng nghiệp sớm cho sinh viên, giúp sinh viên của trường xây dựng lộ trình học và phát triển nghề nghiệp trước khi vào học chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Trường Đại học CMC liên kết với Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC ATI - một thành viên thuộc khối Nghiên cứu và Giáo dục của Tập đoàn Công nghệ CMC. Với hệ thống 6 phòng Lab hiện đại là nơi nghiên cứu các giải pháp công nghệ tiên tiến, trường chú trọng rèn luyện khả năng thực hành, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sinh viên, giúp các bạn trở thành những kỹ sư công nghệ thông tin hàng đầu sau khi tốt nghiệp. Tận dụng tối đa lợi thế là thành viên của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, Trường Đại học CMC tự tin cam kết 100% cơ hội việc làm cho sinh viên ngành công nghệ thông tin sau khi ra trường.
Đức Hiền