Kon Tum: Đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp
16:56 | 17/10/2023
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN), đội ngũ doanh nhân tỉnh Kon Tum không ngừng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và có sự đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Song trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, cộng đồng DN và người dân rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhắm hỗ trợ tháo gỡ những “nút thắt”...
Chính quyền quyết liệt vào cuộc
Để tích cực hỗ trợ DN, UBND tỉnh Kon Tum ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trước những khó khăn thách thức của DN, chính quyền địa phương quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật.
Đồng thời, lãnh đạo địa phương, các sở, ngành thường xuyên quan tâm đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân và DN thông qua các kênh như đối thoại doanh nghiệp, Chương trình Cà phê doanh nghiệp - doanh nhân hàng tháng... Nhớ đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.
![]() |
Tình hình kinh tế, xã hội tỉnh Kon Tum tháng 9 năm 2023 trên địa bàn có nhiều kết quả khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. |
Theo doanh nhân Trương Lê Mãnh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum, các DN bây giờ đã có điều kiện thuận lợi để gặp gỡ lãnh đạo, tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc đề xuất nguyện vọng, trình bày những vướng mắc, khó khăn thông qua các chương trình đối thoại với DN hay chương trình Cà phê doanh nghiệp - doanh nhân hàng tháng
Theo ông Mãnh, các chương trình đối thoại do UBND tỉnh Kon Tum tổ chức là một kênh thông tin hiệu quả để chính quyền kịp thời, nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thỏa đáng nhất cho DN, nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Kon Tum cầu thị, không nể nang, không né tránh, quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, DN và người dân tiếp tục đối mặt với khó khăn. Tại tỉnh Kon Tum, tăng trưởng kinh tế vẫn ảm đạm, sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn, thương mại, cầu tiêu dùng suy giảm. Để hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và người dân, tỉnh Kon Tum triển khai quyết liệt vào cuộc với các nhóm giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn đối với cộng đồng DN và hộ sản xuất kinh doanh.
Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, điều hành chủ động, linh hoạt của UBND tỉnh, các cấp, các ngành tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện nghị quyết, quyết định, chương trình hành động triển khai thực hiện của các cấp, các ngành để sớm khắc phục có hiệu quả các hạn chế...
Nhờ đó, tình hình kinh tế, xã hội tháng 9 năm 2023 trên địa bàn có nhiều kết quả khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, hoạt động sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm, hầu hết các ngành sản xuất đều có chỉ số sản xuất tăng.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,19% so với cùng kỳ năm trước; Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn đạt 2.785 tỷ đồng, tăng 61,91% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do các ngành, các cấp đã chủ động triển khai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nên vốn đầu tư tăng so với cùng kỳ năm trước...
Ngân hàng tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp
Đối với lĩnh vực ngân hàng, để hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua thách thức, theo ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum, thời gian qua các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của NHNN, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các ngành nghề là thế mạnh của địa phương. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trước những thách thức của nền kinh tế, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục góp phần tích cực vào tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương, các TCTD đã triển khai đa dạng, linh hoạt các sản phẩm tín dụng, các gói tín dụng ưu đãi của riêng từng hệ thống TCTD để phục vụ nhu cầu của DN và người dân trên địa bàn.
Theo ông Tân, mặc dù ngành Ngân hàng tỉnh Kon Tum có nhiều nỗ lực trong hoạt động đẩy mạnh tăng trưởng tính dụng. Đến ngày 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn khoảng 44.500 tỷ đồng, tăng 3,7% (+1.573 tỷ đồng) so với cuối năm 2022.
Song kết quả tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong 9 tháng năm 2023 tương đối thấp, cho thấy đến thời điểm hiện tại nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, khả năng phục hồi và hấp thụ vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh của DN, cá nhân trên địa bàn còn hạn chế. Mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2023 trên địa bàn thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước (tăng 8,4%).
![]() |
Ngành Ngân hàng tỉnh Kon tích cực đẩy mạnh đầu tư vốn để người dân, DN đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh |
Ông Tần cho hay, ngành Ngân hàng tỉnh Kon Tum đã triển khai tích cực các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và UBND tỉnh về chương trình về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đến nay, dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất (HTLS) trên địa bàn 94.526 triệu đồng; Doanh số HTLS lũy kế từ đầu chương trình 156.807 triệu đồng; các NHTM thực hiện HTLS cho 5 khách hàng, với số tiền HTLS cho khách hàng 895,9 triệu đồng.
Theo ông Tân, để kịp thời hỗ trợ khách hàng trên địa bàn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Chi nhánh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tích cực rà soát, đẩy mạnh triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN. Đến nay, tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên 349,7 tỷ đồng, các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế cho 11 khách hàng, với mục đích vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 332,4 tỷ đồng; tổng dư nợ gốc và lãi của khách hàng có số dư được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 940,1 tỷ đồng; tổng số dư nợ của khách hàng có khoản nợ không bị chuyển sang nhóm nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 701,3 tỷ đồng.
Ông Tân cho rằng, trong những tháng cuối năm 2023, NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum tiếp tục theo dõi, chỉ đạo và đôn đốc các TCTD trên địa bàn tăng cường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh triển khai Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống NHTM đối với các khoản vay thương mại cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Cùng đó, là đẩy mạnh việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...
Công Thái